Gặp lại ký ức nơi mây vờn gió núi Fansipan
Tiết tháng sáu, dưới xuôi nóng như đổ lửa, trên dãy Hoàng Liên Sơn vẫn se lạnh, đỉnh Fansipan mây còn sa xuống thấp, các ngọn núi nhú lên trên màu trắng đục như sóng biển vờn cồn. Hương rừng ngan ngát bay, miền đất lạ mà quen như đã từng gặp ở đâu đó trong quãng đời mình.Dừng chân, phóng tầm mắt ra xa, quả nơi đây có nét giống đỉnh Langbiang năm nào đời lính đã gửi tuổi xuân ở đó. Đang soi đi chiếu lại trí nhớ, bỗng một cơn gió rừng thoảng qua lèn đá, tạo âm thanh quen quen trên độ cao ngàn mét, gợi thêm kỷ niệm về một người bạn chiến đấu cách đây gần một phần hai thế kỷ…
Anh ấy tên là Hùng. Tôi với Hùng cùng sinh trưởng ở vùng biển và cùng “xẻ dọc Trường Sơn” thời kháng chiến. Tháng 3/1975, trong chiến dịch Tây Nguyên, chúng tôi cùng tổ đài điện báo tác chiến trên cao điểm Langbiang, một đỉnh núi bốn mùa mây vờn gió núi. Hùng tỏ ra thạo môn địa lý bảo: đỉnh núi này cao nhất Tây Nguyên, đỉnh Fansipan cao nhất Tây Bắc.
Trong giờ phút bình yên giữa 2 trận đánh, sau chầu liên hoan thỏi lương khô P71 với bát nước gạo rang, Hùng cao hứng gợi ý: tổ đài ta chụp chung tấm hình tại đây, mai ngày đất nước thống nhất lên đỉnh Fansipan chụp lại một pô, coi như chúng ta đã làm chủ nóc nhà Tây Nguyên và Tây Bắc. Bần thần giây lát, rồi một trận cười đến nẻ bụng, bởi ngày ấy bói đâu ra máy ảnh. Ở Trung tâm Binh trạm, thi thoảng mới nom thấy anh phóng viên báo giải phóng, đeo bên hông chiếc Zenith của Liên Xô. Tụt hẫng với một sáng kiến hay, cả tổ đài 5 anh lính trẻ hồn nhiên quay sang “cinema” bằng mồm và thực cảnh dưới vòm cây lẫn trong màu vân phong xông đất. Cuộc vui tự diễn, khoán mỗi người một thế “manocanh”, tự hình dung ra tấm ảnh chụp trên đỉnh cao này. Anh thì tạo dáng chèo thuyền nan trên sóng, anh họa cảnh Lã Vọng buông câu, Hùng úp đôi bát B52 vào ngực ôm gối giả hòn Vọng Phu… cả tổ đài bồng bềnh trong mây trắng. Tháng ba, trời Tây Nguyên như sa xuống thấp, không gian õng nước, không khác đỉnh Fansipan mùa mưa này.
Đỉnh Langbiang, truyền thuyết đời trước có một đôi trai gái yêu nhau, họ không cùng dân tộc nên không lấy được nhau, đã đưa nhau lên quả đồi này cùng tuẫn tiết. Người đời sau cảm động trước mối tình sắt son của đôi bạn trẻ, ghép vần tên họ thành tên cho núi. Còn tích Fansipan thì chưa rõ, nhưng lưng núi có chợ tình Sa Pa, người già bảo ngày trước bao trai làng gái bản gửi thân cho nhau, khi yêu mà chả thành đôi. Chợ tình Sa Pa còn là nhịp cầu cho bao đôi nên vợ nên chồng. Cả tổ đài khúc khích, mong hết chiến tranh, ngược đường lên Tây Bắc tìm đến chợ tình Sa Pa. Hùng thuận miệng, phụ nữ người thiểu số Tây Bắc cần cù lại khéo chiều chồng. Hình ảnh vợ che ô cho chồng say men trên lưng ngựa từ chợ phiên về bản, chắc các nàng dưới xuôi ít ai có được.
Hùng hoàn cảnh éo le, mồ côi cha mẹ từ ngày còn nhỏ, hai chị em phiêu bạt mỗi đứa một phương. Hùng ở với người bác họ, ông ấy cũng đã qua đời khi anh vừa một tuổi quân. Chị gái trưởng thành cũng lấy chồng ở xa, quê hương không còn ai thân thích. Anh tâm sự, khi rời quân ngũ sẽ tìm đến chợ tình Sa Pa cưới một nàng sơn nữ làm vợ.
Không ngờ cuộc chiến tranh ác liệt đã cướp đi ước mơ của Hùng, anh nằm lại ở đâu đó trên đỉnh Langbiang. Tôi may mắn hơn Hùng, hết chiến tranh về làng biển có một tổ ấm gia đình. Nhưng cuộc sống du cư trên sóng theo mùa cá bơi, quá nửa đời người chưa thực hiện được ước mơ trở lại chiến trường xưa, và mãi đến giờ mới đến được Tây Bắc, thăm đỉnh cao mà ngày còn trẻ mình đã ao ước có một ngày đến đó.
Đường lên Tây Bắc nay dễ đi, không khó khăn như trong suy nghĩ ngày nào. Con đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đưa chân chả mấy đã đến xứ sở của hoa ban, hoa đỗ quyên. Đến thăm chợ tình Sa Pa, chợ tình nay đã khác xưa, không còn là nơi gửi gắm yêu đương, hò hẹn ái ân. Nhưng chợ tình Sa Pa còn đầy ắp nét đẹp văn hóa vùng cao.
Từ trung tâm Sa Pa đến ga cáp treo ở Mường Hoa, độ đường khoảng bốn cây số rưỡi. Từ đây đi cáp thăng thiên lên đỉnh Fansipan mất 15 phút, nhanh như phép thần thông đi mây về gió. Cuộc leo núi thần kỳ, chắc Hùng mà còn sống và những người lính cùng thời “ngày đi, đêm nghỉ” bộ hành vượt Trường Sơn, giỏi là thế cũng không thể nào tưởng tượng ra được. Bởi ngày ấy người lính “chân cứng đá mền”, leo được lên đỉnh Langbiang nhanh cũng phải mất già nửa ngày đường, mà Langbiang chỉ cao bằng 1/3 Fansipan này.
Một bác cựu chiến binh người địa phương bảo, Fansipan cao 3.143m. Trước đây chưa có cáp treo, phường săn giỏi luồn rừng có thể đi một mạch vài dao quăng không mỏi, lên được đến đỉnh cũng mất đẫy hai ngày. Vách núi hiểm trở đầy ẩn họa, đã có người ngày đi không có ngày về.
Quả thực nay lên đỉnh Fansipan như dạo bờ hồ Hoàn Kiếm bằng tàu điện ngày nào. Công trình cáp treo này do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, chi phí giai đoạn I là 4.400 tỷ đồng, khởi công vào tháng 11/2013, đến tháng 2/2016 hoàn thành. Đây là công trình xây dựng cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới với 2 kỷ lục Guiness gồm: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới 1.410m và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới 6.292,5m, hiện đại nhất thế giới, có khả năng chịu được áp lực gió mạnh và thời tiết khắc nghiệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, kể cả người già và trẻ em. Mỗi phi thuyền (cabin) có sức chứa từ 30-35 khách, công suất vận chuyển 2.000 khách/giờ.
Sức sáng tạo và khả năng của con người thật kì vỹ. Ngày trước, hàng triệu người đội bom đạn, chỉ bằng đôi chân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu làm cả thế giới phải kinh ngạc. Ngày nay lại lập 2 kỷ lục Guiness trên đỉnh Fansipan, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Từ nóc nhà Đông Dương, những chiếc máy điện thoại cầm tay bé nhỏ còn đàm thoại, truyền hình ảnh đi khắp thế giới dễ dàng. Ngày trước cỗ máy 2W P108 nặng 28kg, từ đỉnh Langbiang liên lạc về Sở Chỉ huy chiến đấu cùng trong rừng Tây Nguyên, chỉ cách nhau trăm cây số, mà nhiều khi sóng điện nghe thều thào như tiếng người ốm.
Đỉnh Fansipan lộng gió, hoa đỗ quyên khoe sắc, lầu vọng cảnh bồng bềnh trong mây, đâu đây văng vẳng tiếng chuông chùa… Giữa nơi trời gặp đất, lòng tôi se lại nhớ Hùng, nhớ những đồng đội chốt giữ trên đỉnh Langbiang mùa hoa mua năm nào. Mong hồn thiêng người bạn đã hy sinh, tuần nhang thiên tự chuông ngân gọi về, để đến với Fansipan thỏa nguyện mong ước ngày nào. Fansipan không chỉ là điểm đến của du khách thập phương, đền Quan Sơn, Phật Tự cổng trời còn là điểm du lịch tâm linh, núi thiêng, cõi về của những người vị quốc vong thân. Fansipan quản là nơi cầu được ước thấy, giữa ngàn xanh, mây phủ… trời gặp đất.