(Ảnh minh họa: Khánh Linh)
Nhấn mạnh tình trạng khan hiếm nước đang ngày càng đáng lo ngại, ông Guterres nêu rõ nhu cầu về nước ngọt sẽ tăng lên hơn 40% trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ này, trong khi biến đổi khí hậu đang gia tăng ảnh hưởng. Tổng thư ký cảnh báo đến năm 2050, cứ 4 người thì có ít nhất 1 người sẽ sống tại đất nước mà ở đó thường xuyên hoặc luôn luôn bị thiếu nước ngọt. Tại tất cả các khu vực, căng thẳng về việc tiếp cận với nước đang không ngừng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Nếu không quản lý hiệu quả các nguồn nước, chúng ta có nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa các cộng đồng và các lĩnh vực, và thậm chí cả những căng thẳng giữa các quốc gia”. Theo ông Guterres, 3/4 các quốc gia thành viên Liên hợp quốc chia sẻ những con sông hoặc lưu vực sông với các nước láng giềng. Những lưu vực lớn, chẳng hạn như sông Nile, sông Ấn (Indus), sông Hằng (Ganges), sông Euphrates và Tigris, sông Mekong, có tầm quan trọng sống còn đối với nền kinh tế, thương mại, văn hóa và sinh kế của các cộng đồng xung quanh.
Hiện nay, hơn 270 lưu vực sông được chia sẻ trên thế giới. Đó là những nguồn chính cung cấp nước ngọt cho khoảng 40% dân số thế giới. Đây là lý do tại sao "điều quan trọng thiếu yếu là các quốc gia phải hợp tác để bảo đảm nước được chia sẻ một cách công bằng và sử dụng bền vững" – ông Guterres lưu ý.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký cũng tiếp tục nhấn mạnh rằng nước đã chứng minh là một chất xúc tác cho sự hợp tác giữa các quốc gia, đồng thời dẫn chứng khoảng 287 thỏa thuận quốc tế về nước được ký kết trong nửa cuối thế kỷ XX. Ví dụ, ở Nam Mỹ, hồ Titicaca, hồ nước ngọt lớn nhất của châu lục, từ lâu đã là nguồn gốc của sự hợp tác giữa Bolivia và Peru…
Tổng thư ký khẳng định "Liên hợp quốc tích cực thúc đẩy hòa giải và đối thoại như các công cụ hiệu quả để ngăn ngừa và giải quyết những tranh chấp về nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác". Ông Guterres nhắc lại một kế hoạch hành động đã được phát triển bởi Nhóm cấp cao về nước, do cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Chủ tịch Ngân hàng thế giới triệu tập hồi năm ngoái. Kế hoạch này thúc đẩy theo cách phát triển và quản lý các nguồn tài nguyên nước một cách toàn diện, hợp tác và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, đồng thời cải tiến các dịch vụ liên quan đến nước và vệ sinh. "Trong khi chúng ta làm việc để thực hiện Chương trình Phát triển Bền vững vào năm 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ mở rộng các sáng kiến này" – Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ.
Cuộc họp lần này của Hội đồng Bảo an đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nước cũng như khẳng định “cần duy trì một mô hình hợp tác và không xung đột", đồng thời kêu gọi tham gia và đầu tư cho an ninh nguồn nước để bảo đảm một nền hòa bình bền vững và an ninh cho tất cả các cộng đồng và các quốc gia./.