Phát triển du lịch cộng đồng: Bài toán về sự bền vững (Kỳ 2)
Phát triển du lịch cộng đồng bền vững là vấn đề được các ngành chức năng, địa phương và nhà đầu tư tính tới với nhiều giải pháp căn cơ.Những homestay vắng khách
Chúng tôi có mặt tại xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà. Bất kỳ ai đi trên tuyến đường vào trung tâm xã, đoạn qua thôn Sừ Mần Khang cũng nhìn thấy ngôi nhà treo biển homestay, tuy nhiên thường xuyên đóng cửa, ít du khách đến lưu trú. Ông Sùng Seo Chư là chủ của ngôi nhà này và là người đầu tiên ở Tả Văn Chư đầu tư làm homestay vào năm 2010, với tổng chi phí 80 triệu đồng. Trong 3 năm đầu, lượng khách khá đông, có đoàn khách tới 20 người, tuy nhiên, từ sau năm 2013 đến nay, lượng khách đến homestay giảm dần. Cũng như ông Chư, gia đình anh Vàng Seo Chẩn cũng đầu tư 200 triệu đồng xây dựng, chỉnh trang nhà ở để đón khách, nhưng hiện thu nhập chỉ từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Ông Tẩn Seo Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư cho biết: Những năm 2006 - 2008, xã Tả Văn Chư được đầu tư Dự án Làng du lịch sinh thái, với kỳ vọng sẽ đem lại sự đổi thay, nâng cao thu nhập cho các hộ làm du lịch. Nhưng đáng buồn, dự án khi đi vào hoạt động lại không hiệu quả, hiện nay các công trình đã bị hư hỏng và chìm vào quên lãng, chỉ còn lại vài dấu tích.
Du khách quốc tế tham quan bản làng Sa Pa. |
Ở Sa Pa, các điểm du lịch cộng đồng ở khu vực thôn Bản Dền (xã Bản Hồ), thôn Nậm Cang 1, 2 (xã Nậm Cang), thôn Bản Sài (xã Nậm Sài), điểm du lịch cộng đồng xã Tả Phìn đang ít dần khách vì đường giao thông xuống cấp lâu nhưng chưa được tu sửa. Tại Bắc Hà, du lịch cộng đồng ở thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai) sau thời gian chìm lắng, nay đã có dấu hiệu hồi phục nhưng rất chậm; các xã Tả Văn Chư, Bản Phố du khách rất ít khi dừng chân lưu trú. Còn ở Bát Xát và thành phố Lào Cai, một số điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận nhưng chưa được đầu tư phát triển dịch vụ để thu hút được du khách, như cụm thôn trung tâm xã Dền Sáng (Bát Xát), điểm du lịch cộng đồng thôn Phìn Hồ (xã Tả Phời).
Cần có chính sách hỗ trợ người dân
Ông Tẩn Seo Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà cho biết thêm: “Xã có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, như rừng già, động Thiên Long, các bản làng người Mông, nhưng giao thông còn nhiều khó khăn, 5/9 thôn, bản hiện chưa có điện lưới quốc gia. Sự khác biệt về văn hóa khiến đồng bào nơi đây chưa mặn mà với việc làm du lịch cộng đồng, kỹ năng làm du lịch cộng đồng của một số chủ homestay còn hạn chế, do chưa được đào tạo, tập huấn, không đáp ứng được nhu cầu của du khách”.
Theo ông Vù A Trùng, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cang, huyện Sa Pa thì phát triển du lịch cộng đồng bền vững là bài toán khó. Người dân địa phương mong muốn tham gia làm dịch vụ homestay, nhưng việc phát triển loại hình này đang gặp nhiều trở ngại. Trong thời gian tới, công trình thủy điện Nậm Cang 1A, Nậm Cang 1B được đẩy mạnh thi công, rất có thể sẽ ảnh hưởng tới phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Bài học đắt giá đã nhìn thấy là du lịch cộng đồng ở xã Bản Hồ gần đó đã qua và khó có thể tìm lại thời hoàng kim, kể từ khi cảnh quan tự nhiên nơi đây bị phá vỡ do thi công các công trình thủy điện.
Được biết, để hoạt động du lịch cộng đồng vào nền nếp, đầu năm 2017, huyện Sa Pa đã ra quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động du lịch cộng đồng tại các xã trên địa bàn. Theo đó, thành lập ban quản lý du lịch cộng đồng tại các xã với 5 - 7 thành viên do lãnh đạo UBND xã làm trưởng ban. Hằng năm, UBND xã trình HĐND huyện kinh phí hỗ trợ hoạt động của ban quản lý du lịch cộng đồng, nguồn kinh phí này được trích từ nguồn thu phí du lịch của huyện. Quy chế cũng quy định trách nhiệm, quyền hạn của ban quản lý du lịch cộng đồng, các homestay, đơn vị kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên và khách du lịch; quy định việc xử lý các vi phạm theo quy định.
Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cần sớm có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng các homestay. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đang tích cực nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách động viên, khuyến khích người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân.
Cơ quan chuyên môn cũng đề xuất ý kiến nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng gắn với quy hoạch, ưu tiên đầu tư cho những điểm, tuyến du lịch cộng đồng thế mạnh, tránh phát triển tràn lan dẫn tới khó quản lý và thiếu hiệu quả. Cùng với đó, ngành văn hóa - thể thao và du lịch, các địa phương cũng cần quan tâm hơn đến việc liên kết giữa các doanh nghiệp với hộ dân làm homestay, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ homestay. Một giải pháp cần thiết khác là rà soát lại các điểm, tuyến du lịch cộng đồng để đánh giá đúng thực trạng; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho một số điểm du lịch để thu hút du khách.