Bảo Yên khai thác lợi thế phát triển du lịch
Mục tiêu được huyện Bảo Yên phấn đấu là đưa ngành “công nghiệp không khói” thành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương.Chưa tương xứng với tiềm năng
Những năm gần đây, du lịch Bảo Yên có bước tăng trưởng ấn tượng. Hằng năm, các điểm du lịch tại địa phương đón khoảng 500.000 lượt khách/năm, tăng 380.000 lượt so với năm 2010. Hạ tầng phục vụ du lịch được nâng lên, với 66 cơ sở lưu trú, 500 phòng, tăng 30 cơ sở so với năm 2010. Chất lượng phục vụ ngày càng được cải thiện cùng với các điều kiện khác, do đó, ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt trung bình 1,5 ngày. Nguồn nhân lực quản lý và lao động du lịch được phát triển và tăng dần qua các năm.
Lễ hội đền Bảo Hà thu hút hàng vạn lượt khách. |
Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có, cùng những lợi thế ngày càng lớn về vị trí, hệ thống giao thông được đầu tư… du lịch Bảo Yên được nhìn nhận phát triển chưa tương xứng. Những hạn chế này có thể thấy rõ ở hai loại hình du lịch thế mạnh của địa phương là du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng. Theo các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, du lịch, các điểm du lịch tâm linh của Bảo Yên gồm đền Bảo Hà và đền Phúc Khánh. Đây chính là yếu tố cốt lõi để giữ lượng khách ổn định, phát triển bền vững. Tuy nhiên, có thể thấy, bên cạnh sự nổi tiếng sẵn có do truyền miệng là chủ yếu, công tác quảng bá một cách hệ thống cho di tích này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, việc liên kết với các tour du lịch tâm linh trong huyện, tỉnh và khu vực chưa thực sự rõ ràng. Ngoài ra, việc xây dựng các dịch vụ hỗ trợ cho điểm du lịch này chưa theo kịp sự gia tăng của lượng khách, dẫn đến tình trạng quá tải trong các dịp lễ, tết.
Về du lịch cộng đồng, có thể lấy một ví dụ điển hình là xã Nghĩa Đô, đây được coi là điểm hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc. Cách đây nhiều năm, Bảo Yên triển khai dự án phát triển du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với kỳ vọng là khu văn hóa du lịch điển hình của huyện. Tuy nhiên, sau chừng ấy thời gian, dường như việc đón khách du lịch đến tham quan thường xuyên vẫn là điều xa lạ với người dân nơi đây. Một đồng chí lãnh đạo xã buồn bã cho biết: “Thi thoảng mới thấy du khách đi sang Hà Giang dừng chân vài phút chụp ảnh, rồi lại đi luôn”. Cái yếu của du lịch Nghĩa Đô được những người làm du lịch chỉ ra, là thiếu nhân lực về quản trị du lịch, các sản phẩm tour, tuyến chưa rõ nét, những nơi có thể phát triển thành điểm du lịch thì quy mô nhỏ lẻ và chưa tiêu biểu.
Nguyên nhân khiến du lịch Bảo Yên chưa phát triển so với yêu cầu cũng đã được địa phương thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá. Đó là nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế, hệ thống đường giao thông tới các điểm du lịch trọng điểm đang trong quá trình xây dựng, nâng cấp, nhất là tuyến Phố Ràng - Bảo Hà. Hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí quy mô nhỏ và vừa. Sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng chưa phong phú cả về chủng loại và chất lượng, chưa khai thác được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Xúc tiến du lịch chủ yếu mới dừng ở tuyên truyền giới thiệu và tập trung ở loại hình du lịch tâm linh.
Giải pháp phát triển du lịch
Theo Đề án phát triển văn hóa - du lịch Bảo Yên giai đoạn 2015 - 2020, huyện Bảo Yên đề ra mục tiêu phát triển du lịch huyện trở thành trung tâm du lịch tâm linh của tỉnh; là ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Bảo Yên đón 1 triệu lượt khách du lịch, giá trị gia tăng thương mại - du lịch đạt 1.182 tỷ đồng, tỷ trọng cơ cấu thương mại - du lịch chiếm 38% tổng thu ngân sách của địa phương. Mở rộng, khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng.
Bảo Yên khôi phục cọn nước để thu hút du khách. |
Để đạt được mục tiêu này, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Để tạo được nét đặc trưng riêng, nâng cao khả năng cạnh tranh, du lịch Bảo Yên sẽ đẩy mạnh liên kết hợp tác với các khu vực lân cận để hỗ trợ nhau cùng phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng mang tính toàn vùng. Phát triển các dịch vụ du lịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và loại hình, khai thác đồng bộ thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Kết hợp khai thác dịch vụ homestay cho khách nước ngoài.
Mặt khác, huyện sẽ tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm đòn bẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Cùng với đó, thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới nhiều hình thức khác nhau. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư. Với những bước đi phù hợp cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, thời gian tới, du lịch Bảo Yên sẽ có những bước đột phá.