Phát triển du lịch cộng đồng: Ðộng lực phát triển nông thôn mới (Kỳ 1)
Thời gian qua, một trong những loại hình du lịch hấp dẫn du khách đến Lào Cai, đặc biệt là du khách nước ngoài chính là du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng bền vững vẫn đang là bài toán khó với nhiều địa phương.Homestay đa lợi ích
Điều dễ dàng nhận thấy là ở những nơi du lịch cộng đồng phát triển, thì diện mạo các thôn, bản có nhiều khởi sắc, số hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống nhân dân thêm ấm no. Cùng với đó, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và môi trường sinh thái cũng được bảo vệ tốt hơn.
Nhiều mô hình homestay hấp dẫn du khách. |
Đầu năm 2017, sau khi Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc diễn ra không lâu, ngành du lịch Lào Cai đón tin vui, đó là Cụm homestay Tả Van Giáy 1, thuộc thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa là 1 trong 5 cụm homestay của Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN. Điều đó cho thấy chất lượng dịch vụ homestay cũng như các sản phẩm du lịch ở thôn Tả Van Giáy ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách và những tiêu chuẩn về phát triển du lịch bền vững. Đến thăm thôn Tả Van Giáy hôm nay, điều mà chúng tôi ấn tượng là ngày nào cũng có hàng trăm du khách trong nước và quốc tế đến đây tham quan, ngắm cảnh. Nhiều du khách lựa chọn ở lại trong những ngôi nhà của đồng bào Giáy để trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Anh Andrew, du khách người Anh chia sẻ: “Cảm giác được ngủ lại trong ngôi nhà của người dân giữa bản làng vùng cao rất thú vị. Người dân ở đây thân thiện, mến khách, các món ăn địa phương rất ngon. Tôi thích khoảnh khắc ngồi uống trà bên suối, nghe tiếng suối chảy và ngắm thung lũng ruộng bậc thang tuyệt đẹp, đặc biệt là trải nghiệm cùng người dân ra ruộng cày cấy”.
Đồng bào Dao đỏ giới thiệu sản phẩm thổ cẩm với du khách. |
Tả Van Giáy có 140 hộ dân thì có trên 40 hộ đăng ký làm dịch vụ lưu trú tại gia. Nhà nào cũng được chỉnh trang, có đầy đủ giường đệm, chăn màn, nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ và tiện nghi để phục vụ du khách. Từ lâu, đồng bào Giáy đã học tiếng Anh để trò chuyện, giao tiếp với du khách nước ngoài; học nấu các món ăn truyền thống phù hợp với khẩu vị du khách bốn phương. Vậy câu hỏi đặt ra là du lịch cộng đồng đem lại cho người dân ở đây những lợi ích gì để Tả Van ngày càng có nhiều hộ làm dịch vụ homestay?
Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Mục, người làm homestay đầu tiên ở địa phương chia sẻ: Gia đình tôi mở dịch vụ homestay từ năm 1997 đến nay. Sau đó, các con tôi lập gia đình và chuyển ra ở riêng cũng đều theo nghề này. Trong tuần, nhà tôi ngày nào cũng có từ 6 - 7 khách lưu trú. Mỗi tháng, trừ mọi chi phí, gia đình tôi thu nhập khoảng 7 triệu đồng từ làm dịch vụ homestay. Ở Tả Van Giáy hiện nay, các hộ làm dịch vụ homestay đều có đời sống khá, thu nhập trung bình từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, làm du lịch cộng đồng cũng giúp đồng bào Giáy giữ gìn nếp nhà và trang phục truyền thống, bảo tồn và giới thiệu các món ăn ngon, các bài hát, điệu múa, phong tục, tập quán của dân tộc đến du khách bốn phương.
Động lực phát triển nông thôn mới
Trên địa bàn tỉnh, ngày càng có thêm nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách đến tham quan. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 10 điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận, gồm: Sa Pa (6 điểm), Bát Xát (2 điểm), thành phố Lào Cai (1 điểm), Bắc Hà (1 điểm). Tính theo số lượng homestay, toàn tỉnh có 189 homestay, trong đó, nhiều nhất là huyện Sa Pa với 168 homestay. Ở Sa Pa, du khách có thể đến tham quan và lưu trú tại các homestay của người Giáy ở xã Tả Van, của người Mông ở xã Hầu Thào, Lao Chải, Sử Pán; của người Tày ở xã Bản Hồ, Thanh Phú; của người Dao đỏ ở xã Tả Phìn. Đến với Bắc Hà, rất đông du khách nước ngoài bị thu hút bởi những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở xã Na Hối, Tà Chải, hay Làng văn hóa - du lịch cộng đồng Trung Đô, xã Bảo Nhai.
Diện mạo xã Tả Van có nhiều thay đổi nhờ phát triển du lịch cộng đồng. |
Theo ông Vàng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, địa phương hiện có 12 hộ dân làm dịch vụ homestay, chiếm gần 50% số homestay của toàn huyện. Đối với đồng bào vùng cao, khi du lịch cộng đồng phát triển sẽ giải quyết được tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư, vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như thôn Na Lo, năm 2010 còn tới 50% hộ nghèo, hiện chỉ còn 10,4% (tiêu chí cũ). Một số hộ như Vàng A Văn, Vùi Văn Phù, Vàng Văn Ly… trước đây kinh tế khó khăn, hiện thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng nhờ làm dịch vụ homestay. Du lịch cộng đồng đã giúp diện mạo các thôn Na Lo, Na Khèo, Na Kim, Na Cá đổi thay rõ nét, nhà ở dân cư được chỉnh trang, đường làng luôn sạch sẽ, rác thải được thu gom và xử lý, tình trạng thả rông gia súc cũng giảm đáng kể, môi trường sinh thái trong lành.
Ông Hà Quốc Trung, Phó Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Nhìn từ lợi ích của người dân, việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ đơn thuần là biện pháp nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao, mà còn đem lại nhiều lợi ích lâu dài và quan trọng. Du lịch phát triển, đời sống của đồng bào ngày càng văn minh hơn, hủ tục được xóa bỏ. Đây cũng là hình thức quảng bá tiềm năng, thế mạnh, vẻ đẹp của Lào Cai đến với du khách.