Chuyện vui làng đua ngựa Bắc Hà

Mỗi năm, mùa hè đến cũng là khi khách du lịch bốn phương hướng về “cao nguyên trắng” Bắc Hà chờ đón giải đua ngựa truyền thống. Bên cạnh câu chuyện nóng hổi trên đường đua, chúng tôi còn đem đến bạn đọc những mẩu chuyện thú vị về các kỵ sỹ chân đất và những kỵ mã trứ danh qua nhiều mùa giải.

Những dòng họ nài ngựa

Thôn Sừ Mần Khang, xã Tả Văn Chư (Bắc Hà) nằm cheo leo trên sườn núi dốc. Lúc còn ngồi ở UBND xã Tả Văn Chư, anh Tẩn Seo Chính, Phó Chủ tịch UBND xã bảo rằng mỗi mùa giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà, xã thường có 5 - 6 nài ngựa tham gia, trong đó đều tập trung ở Sừ Mần Khang. Đây là “rốn ngựa đua” của xã vì có nhiều ngựa nhất, đông kỵ sỹ nhất trên đỉnh núi này. Điều đặc biệt, các kỵ sỹ đều là những người đàn ông họ Sùng trong một gia đình.

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà luôn được du khách trong và ngoài nước quan tâm.

Nhắc đến tài đua ngựa ở Sừ Mần Khang, ai cũng khâm phục ông Sùng Seo Dùng. Ông Dùng năm nay đã ngoài 50 tuổi, dáng người không cao lớn, nhưng tác phong nhanh nhẹn như con sóc trên rừng, đôi mắt vẫn tinh anh như loài chim cắt. Ông Dùng cho biết mùa giải năm nào ông cũng có mặt, trong đó thành tích cao nhất là giải Nhì năm 2012. Lớn lên trên vùng núi đá Sừ Mần Khang, khi biết theo mẹ lên nương ngô, Sùng Seo Dùng đã bám bờm ngựa chạy khắp thôn. Hàng chục năm ngồi trên lưng ngựa, Sùng Seo Dùng rèn luyện cho mình kỹ năng điều khiển ngựa thuần thục, cưỡi ngựa không yên trên đường đua nhưng chưa bao giờ ngã. Sùng Seo Dùng bảo muốn biết ai dũng cảm, mạnh mẽ, gan dạ thì hãy ngồi trên lưng ngựa, vì thế ông rèn cho các con mình khí chất can đảm là cưỡi ngựa ngay từ khi còn nhỏ. Giải đua ngựa Bắc Hà hằng năm, ông Sùng Seo Dùng cùng các con trai là Sùng Seo Cháng, Sùng Seo Sàng, Sùng Seo Sủ, Sùng Seo Say đều tham gia. Có mùa giải, cả 5 bố con đều lần lượt vượt qua vòng loại, trở thành đối thủ của nhau trên đường đua nóng bỏng.

Rời Tả Văn Chư, chúng tôi trở về vùng đất ngựa nổi tiếng nhất Bắc Hà là xã Na Hối để tìm gặp những kỵ sỹ dân tộc Tày của dòng họ Vàng. Qua 10 mùa giải, tên tuổi những nài ngựa nổi tiếng nhất “cao nguyên trắng” đều thuộc về các chàng trai họ Vàng ở xã Na Hối là: Vàng Văn Huỳnh, Vàng Văn Cương, Vàng Văn Quyết, Vàng Văn Thức, Vàng Văn Giang… Trong nhiều năm qua, anh em họ Vàng thay nhau “thống lĩnh” ngôi vị quán quân giải đua. Cụ thể, Vàng Văn Huỳnh là người vô địch giải  đua ngựa truyền thống Bắc Hà các năm 2011, 2012, 2013; nài ngựa Vàng Văn Quyết đoạt giải Nhất năm 2014, 2015 và nài ngựa Vàng Văn Cương vô địch mùa giải năm 2016, đó là chưa kể tới các giải đua ngoài tỉnh. Nhiều lần trở thành đối thủ của nhau trên cùng đường đua ở vòng bán kết, chung kết, anh em dòng họ Vàng vừa cạnh tranh công bằng nhưng cũng hỗ trợ chiến thuật giúp nhau về đích, bảo vệ thành công ngôi vô địch. Với họ, làm nài ngựa cũng là một nghề và câu chuyện về đua ngựa luôn mới mẻ, hấp dẫn.

Ngựa thồ giá… nghìn đô

Cùng với câu chuyện về những dòng họ nài ngựa nổi tiếng ở Bắc Hà, chúng tôi cũng vô cùng ấn tượng khi được nghe nhiều mẩu chuyện thú vị về những “chiến mã” ở Bắc Hà. Nài ngựa Vàng Văn Huỳnh bảo năm nay ngựa của mình đã bước sang tuổi 15, không còn sung mãn nhưng vẫn sẽ tham gia giải. Huỳnh nhớ lại: “Khi tôi mua về, nó mới hơn 2 tuổi, giá ngày đó là 9 triệu đồng. Ban đầu nó kén ăn, uống ít nước, tưởng không đủ sức để thồ hàng, nhưng khi trưởng thành, nó trở thành ngựa đực rất khỏe và hăng. Dù phải thồ hàng nặng leo dốc phục vụ công trình, nhưng nó vẫn rất ngoan, biết nghe lời chủ”. Anh Huỳnh còn bật mí rằng, con ngựa 15 tuổi này đoạt nhiều giải cao, nó đã cùng chủ đi chu du khắp nơi, tham gia nhiều giải thi đấu tại Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái và mang về cho chủ 120 triệu đồng. “Nhiều người đến hỏi mua, trả giá cả mấy nghìn đô - la Mỹ, nhưng tôi không bán. Với tôi, nó là người bạn thân, cũng là thành viên không thể thiếu trong gia đình”, Vàng Văn Huỳnh tâm sự.

Anh Vàng Văn Huỳnh (phải ảnh) chăm sóc chú ngựa “nghìn đô”.

Đến thăm gia đình anh Vàng Văn Giang, người giành giải Nhì trong cuộc đua năm 2016, chúng tôi được nghe thêm một câu chuyện thú vị. Khi tôi vừa bước vào cổng, chú ngựa đã vươn cổ hí vang. Anh Giang chia sẻ: “Khi có khách lạ vào nhà, nó thường hí như thế để báo hiệu cho chủ biết. Ban đêm, khi mọi người ngủ, thì ngựa vẫn ngủ đứng và là người lính gác tốt nhất. Chỉ cần có một tiếng động nhỏ xung quanh, nó cũng phát hiện ra và cào chân, gõ móng, hay dùng tiếng hí để báo động. Từ đầu năm 2017 đến nay, nó cùng tôi đoạt hai giải Nhì tại lễ hội đua ngựa diễn ra tại Văn Chấn (Yên Bái) và Hàm Yên (Tuyên Quang)”.

Anh Giang cho biết, ngoài công việc kéo xe, thì chú ngựa của anh còn có thêm công việc “đặc biệt” là lai tạo giống cho đàn ngựa ở Bắc Hà và Si Ma Cai. So với những con ngựa đực khác, chú ngựa này có dáng chuẩn, thân hình cao to, cân đối, màu lông đẹp, lại đang độ sung sức, nên được nhiều chủ ngựa đưa ngựa cái đến phối giống. Anh Giang hy vọng, thế hệ sau này của nó cũng sẽ trở thành những “chiến mã” dũng mãnh trên đường đua.

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...