Động Hàm Rồng - Thắng địa nơi cổng trời
Quần thể hang động Hàm Rồng bao gồm 4 hang, đó là: hang Lũng Pâu, hang Nắm Oọc, hang Mười Ngựa và khu hang động Cao Sơn; trong đó có 2 hang chính là Nấm Oọc và Lũng Pâu nối liền nhau với nhau xuyên qua núi Hàm Rồng, tổng chiều dài khoảng 750m. Quãng giữa của hang dài này vắt qua sười núi trên đường từ Mường Khương đi Pha Long mà dân gian gọi là Cổng trời.
Hang Lũng Pâu thuộc xã Tung Chung Phố và nằm sâu trong lòng dãy núi đá vôi sừng sững. Chính nơi này vào năm 1959 đã phát hiện ra trống đồng Pha Long (thuộc Hêgơ I) nổi tiếng, có niên đại cách đây gần 4.000 năm.
Hang Nắm Oọc thuộc xã Nấm Lư có nhiều nhũ đá, tượng bụt kỳ ảo và nơi đây thường tổ chức các lễ hội dân gian đặc sắc của người Nùng và một số thôn, bản khác trong vùng.
Hang Mười Ngựa hay còn gọi là hang Sừ Ma Tủng thuộc xã Tả Ngải Chồ - tụ điểm hoạt động của bọn phỉ Châu Quang Lồ khét tiếng. Phỉ Châu Quang Lồ từng là tay sai của thực dân Pháp đã bị quân dân địa phương và các đơn vị bộ đội chủ lực tiêu diệt nhằm góp phần giải phóng khu Pha Long năm 1952.
Khu hang động Cao Sơn nằm ẩn mình trong lòng dãy núi đá vôi chập chùng cao chót vót. Bên trong hang có rất nhiều các hình thù đẹp mắt bằng đá, trông giống như những ô ruộng bậc thang, các nông cụ sản xuất, những chiếc bàn, ghế…
Đến với quần thể hang động Hàm Rồng, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí giữa một vùng núi rừng bao la, rộng lớn. Đây là hang động chứa nhiều yếu tố dân gian phong phú và hấp dẫn, phần nào phản ánh đời sống văn hoá tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Mường Khương.
Động Hàm Rồng có giá trị rất lớn về du lịch, địa chất, thẩm mỹ. Đến với động du khách không những được chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình của núi rừng, sông suối tự nhiên mà còn là điều kiện cho các nhà nghiên cứu về địa lý, đất đai thổ nhưỡng địa tầng. Hàm Rồng còn là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các nhà hội họa, nhiếp ảnh. Với cảnh đẹp độc đáo và kỳ thú, Động Hàm Rồng được nhà nước công nhận là Di tích Danh thắng cấp Quốc gia năm 2003.