Phê duyệt chủ trương đầu tư, hỗ trợ thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 680/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình “Hỗ trợ thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”.Theo đó, các nội dung chính như: Cải thiện quy trình, thủ tục lập kế hoạch và quản trị Chương trình: Các kế hoạch của hai Chương trình mục tiêu quốc gia được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, huyện. Như vậy, việc chuyển hướng từ lập kế hoạch ở Trung ương sang tăng quyền cho các cấp cơ sở trong việc chịu trách nhiệm và ra quyết định, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Trong đầu tư, các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, thiết kế, phương pháp tiếp cận, tổ chức thực hiện tiểu dự án cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ thực hiện trong hai Chương trình mục tiêu quốc gia được hài hòa hóa, đảm bảo tính bền vững và hỗ trợ hiệu quả cho phát triển sản xuất. Việc này sẽ làm tăng giá trị của các khoản đầu tư, tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp và đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, hướng dẫn cụ thể cho các xã để có thể dựa vào đó hỗ trợ các hoạt động tăng thu nhập.
Cải thiện việc tiếp cận với các tài sản, dịch vụ công ở nông thôn, đặc biệt là ở những xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 với ưu tiên cho người dân tộc thiểu số, góp phần làm tăng thu nhập cho hộ gia đình, nhất là thu nhập phi nông nghiệp.
Tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác nông thôn mới và giảm nghèo vùng dân tộc. Cải thiện việc theo dõi, đo lường và quản lý Chương trình. Việc theo dõi và đo lường các kết quả, hiệu quả, tác động của Chương trình được lượng hóa và đánh giá chính xác, khách quan là cơ sở để đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách.
Chương trình sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 18 tỉnh: Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Cạn, Điện Biên, Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Trà Vinh. Thời gian thực hiện Chương trình từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2021.
Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trên 6.256 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương bố trí trong khuôn khổ hai Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn đối ứng của địa phương do ngân sách các tỉnh tham gia Chương trình bố trí theo quy định.
Trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi của WB được hòa vào ngân sách Nhà nước để hỗ trợ thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia và được tính vào trong tổng hai nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt. Nguồn vốn vay dự kiến sẽ được cấp phát hoàn toàn cho các tỉnh tham gia Chương trình và được giải ngân dựa trên kết quả thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia, thể hiện bằng 9 nhóm chỉ số giải ngân gắn với kết quả (DLIs)./.