Về miền chè cổ thụ
Vượt qua quãng đường hơn 12 km từ thị trấn Bắc Hà, chúng tôi đặt chân đến xã Hoàng Thu Phố, nơi có những đồi chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi.Nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, khí hậu của Hoàng Thu Phố gần giống với Sa Pa, thời tiết quanh năm mát mẻ, những ngày mưa lạnh, sương mù dày đặc chẳng rõ mặt người. Cũng bởi vì chất đất, khí hậu phù hợp mà chè Shan tuyết ở đây rất ngon, khi pha nước có màu xanh, đậm, thơm và có vị ngọt.
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ cao gần 10 m. |
Đưa chúng tôi đi thăm đồi chè cổ thụ, anh Sùng Seo Mào, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: Xã hiện còn giữ được gần 10 ha chè Shan tuyết cổ thụ, phân bố rải rác ở các thôn: Sỉn Chồ 1, Sỉn Chồ 2, Hóa Séo Chải, Bản Pấy 1, Hoàng Hạ 1, Hoàng Hạ 2. Trong đó, thôn Sỉn Chồ 1 và Sỉn Chồ 2 tập trung nhiều cây chè cổ thụ nhất. Nhìn từ xa, đồi chè với những gốc to hơn vòng tay người ôm trông giống như rừng gỗ lớn, búp lá xanh mơn mởn.
Người dân ở Hoàng Thu Phố không rõ cây chè Shan tuyết có từ bao giờ, họ chỉ biết từ khi còn nhỏ đã được nghe già làng kể lại “sự tích” về cây chè Shan. Trong đó có chuyện người dân nơi đây lấy được hạt giống chè Shan do những chú khỉ rừng để lại, về sau, họ phát hiện ra búp chè non là phương thuốc quý, xua tan mệt mỏi sau những giờ lao động vất vả.
Chè Shan tuyết là loại chè quý, không chỉ bởi lợi ích đối với sức khỏe, mà còn bởi sản lượng thu hoạch mỗi năm không nhiều. Đặc biệt, muốn hái búp từ những cây chè cổ thụ, người dân phải bắc thang lên để hái. Những năm trước, đồng bào Mông nơi đây không mặn mà với cây chè cổ thụ, nhiều gốc chè đã bị đốn hạ để lấy đất làm nương, trồng cây nông nghiệp. Sau này, nhận thấy cây chè Shan tuyết không chỉ có giá trị kinh tế cao, mà còn có giá trị về văn hóa, du lịch, chính quyền xã Hoàng Thu Phố đã có nhiều biện pháp để bảo tồn chè cổ thụ. Cùng với việc cải tạo những gốc chè cổ thụ, chính quyền xã còn hỗ trợ, vận động bà con mở rộng nhân giống trồng chè Shan tuyết, tạo nguồn thu ổn định, cải thiện đời sống./.