Thực hành, trao truyền ‘Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ’ đúng với ý nghĩa, bản sắc
Tham dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ ngành, tổ chức quốc tế cùng đông đảo người dân địa phương.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là niềm tự hào của Nam Định, của các địa phương đã cùng bảo tồn, phát huy di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và của cả Việt Nam.
“Việt Nam có thêm một di sản văn hóa vô giá mà cha ông ta đã sáng tạo, bồi đắp, gìn giữ, trao truyền lại cho con cháu bằng trí lực, mồ hôi và cả máu xương - được vinh danh, được cam kết sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại”, Phó Thủ tướng nói.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng chúc mừng, biểu dương các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư Nam Định và các tỉnh có di sản đã bằng trí tuệ, tấm lòng hiếu nghĩa hướng về tiên tổ, bằng trách nhiệm đối với thế hệ mai sau, đã chung sức bảo vệ, phát huy một di sản chứa đựng những giá trị nhân văn hết sức sâu sắc và độc đáo.
Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: VGP/Đình Nam
Bộ VHTT&DL, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân của tỉnh Nam Định, các địa phương có di sản và cả cộng đồng đã nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cũng như trong quá trình nghiên cứu, lập Hồ sơ đề cử di sản với UNESCO.
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt trân trọng ghi nhận sự đóng góp không thể thiếu của các nghệ nhân tham gia thực hành, truyền dạy Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phối kết nhuần nhuyễn nhiều yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, thơ ca, âm nhạc, diễn xướng với những triết lý, quy tắc tín ngưỡng, tôn giáo… và những điều bình dị trong cuộc sống thường nhật được thể hiện hết sức sống động, quan niệm rất nhân văn về thiên nhiên, về lịch sử, văn hóa, bản sắc tộc người; đặc biệt là về vai trò và sự tôn thờ người Mẹ. Mẹ thiên nhiên. Mẹ của loài người.
Sức lan tỏa và bám rễ sâu bền trong đời sống Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ xuất phát từ chính khát vọng rất đời của người dân luôn hướng tới, luôn cầu mong được dày phúc, nhiều lộc, trường thọ, được sống một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, và hòa đồng với thiên nhiên, với cộng đồng.
Không chỉ là ước vọng cuộc sống đời thường, tinh thần yêu nước, thương nòi, truyền thống uống nước nhớ nguồn trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ còn được tâm linh hóa và thấm sâu trong tâm thức mỗi người Việt.
Các nhân vật, dù là lịch sử hay huyền thoại, được phối thờ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đều uy dũng, nhân từ, đức độ, có công với nước, với cộng đồng.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ dung hòa các sắc thái văn hóa, các tôn giáo, các nhân vật biểu tượng của các dân tộc, tạo nên bức tranh văn hóa rất nhiều sắc màu, góp phần củng cố nền tảng cho phát triển, đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thắt chặt nghĩa đồng bào, khơi dậy hồn sông núi.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: VGP/Đình Nam
Việc "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào; khẳng định những giá trị và đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại, Phó Thủ tướng phát biểu.
Nhưng cùng với niềm vinh dự là trách nhiệm phải bảo tồn, phát huy di sản tốt hơn, mà theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đó là trách nhiệm không chỉ với tổ tiên người Việt, với nền văn hiến Việt Nam mà còn với cả thế giới, với nền văn minh nhân loại. Đây là trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức mà đặc biệt quan trọng là của cả cộng đồng, nhất là những người thực hành, truyền dạy tín ngưỡng.
“Chúng ta cần triển khai thực hiện thật tốt, thật hiệu quả chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cần để Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thực hiện, được trao truyền đúng với ý nghĩa, bản sắc rất tốt đẹp, rất đặc sắc vốn có. Không bị làm sai lệch, biến tướng; bị tầm thường hóa, thương mại hóa. Qua đó, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cùng việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đạt được nhiều thành tựu, tiếp tục làm rạng danh nền văn hiến Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.