Ban hành Bộ quy tắc về ứng xử văn minh khi đi du lịch
Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 718/QÐ-BVHTTDL ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch.Đối tượng của Bộ Quy tắc này là người Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài; người nước ngoài đi du lịch Việt Nam; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch.
Ðối với khách du lịch yêu cầu thực hiện nội dung quy tắc ứng xử như: Tuân thủ các quy định, nội quy hoạt động, biển báo, hướng dẫn của người quản lý tại điểm đến hoặc khi sử dụng dịch vụ giao thông công cộng; xếp hàng theo thứ tự khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động tại nơi công cộng; ưu tiên giúp đỡ người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ; sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp khi đi du lịch; mặc trang phục nghiêm túc khi tham quan tại những nơi thờ tự tín ngưỡng tôn nghiêm, nghĩa trang liệt sĩ, lễ hội truyền thống; tôn trọng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của cộng đồng địa phương tại điểm đến.
Bên cạnh đó, ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự nơi công cộng, vui chơi lành mạnh; giữ gìn, bảo vệ công trình văn hóa, kiến trúc, cảnh quan khi đi du lịch; không chen lấn, xô đẩy, gây ồn ào mất trật tự và có hành vi bạo lực khi đi du lịch; không khắc, vẽ lên tường, tượng, bia đá, cây xanh, công trình kiến trúc; không sử dụng sản phẩm từ các loài động, thực vật hoang dã, các loài cần được bảo vệ; không cố tình quay phim, chụp ảnh tại những nơi không được phép; không tạo dáng phản cảm khi chụp ảnh tại nơi tôn nghiêm; không lấy hàng hóa, sản phẩm, đồ dùng không thuộc về mình; không đi du lịch tại những nơi không đảm bảo an ninh, an toàn; nơi xảy ra dịch bệnh, thiên tai; không vi phạm pháp luật khi đi du lịch...
Ðối với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, phải tuân thủ pháp luật và các quy định của địa phương trong kinh doanh du lịch; niêm yết công khai và bán đúng giá dịch vụ, không bán cao hơn giá niêm yết; tư vấn trung thực, đầy đủ về sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch; ứng xử đúng mực, thân thiện, trách nhiệm, tôn trọng khách hàng; sẵn sàng, tích cực hỗ trợ khách du lịch trong trường hợp xảy ra tai nạn, rủi ro liên quan đến trách nhiệm và khi có yêu cầu; không sử dụng thương hiệu của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch khác để quảng bá cho sản phẩm của mình...
Doanh nghiệp lữ hành cần tuân thủ pháp luật về kinh doanh lữ hành và pháp luật liên quan; tư vấn đầy đủ thông tin, trung thực về chương trình du lịch, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch; đảm bảo cung cấp các dịch vụ theo đúng chương trình du lịch đã cam kết bán cho khách; sử dụng dịch vụ uy tín, đảm bảo chất lượng, an toàn để phục vụ khách; không để người nước ngoài lợi dụng “núp bóng” kinh doanh lữ hành bất hợp pháp; không được “bỏ rơi”, thiếu trách nhiệm với khách du lịch; không lợi dụng, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch...
Ngoài ra, Bộ quy tắc cũng quy định nội dung quy tắc ứng xử với hướng dẫn viên du lịch và cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, điểm mua sắm, điểm tham quan, điểm du lịch...