Phải bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên cho phát triển
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và triển khai Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được xác định là một trong số 21 chương trình đầu tư quan trọng của quốc gia, tiếp nối từ các chương trình, dự án đầu tư trước đây như Chương trình 327, giai đoạn 1992-1998; Dự án 661, giai đoạn 1999-2010; Kế hoạch bảo vệ rừng, giai đoạn 2011-2015.
Mục tiêu đặt ra là nâng cao năng suất chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng để tăng giá trị rừng trên một đơn vị diện tích. Cùng với đó, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới; bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Xác định các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực
Từ các mục tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là phải bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Cùng với đó, phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm lâm nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ cụ thể trước mắt là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để bảo vệ rừng và phát triển ngành lâm nghiệp.
“Khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là ban hành, thực thi các sáng kiến tài chính mới để tạo thêm nguồn lực cho phát triển ngành lâm nghiệp, cụ thể như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở công nghiệp, du lịch sinh thái và nuôi trồng thuỷ sản, bồi hoàn giá trị hệ sinh thái rừng”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là phải nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện việc rà soát, đánh giá quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia và cấp vùng, xác định rõ lâm phận ổn định, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác theo dõi giám sát, cập nhật hiện trạng, diễn biến tài nguyên rừng.
“Các địa phương tổ chức rà soát thực trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý, thống nhất giữa quy hoạch rừng trên bản đồ và trên thực địa”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, phải gắn quy hoạch phát triển rừng với tái cấu trúc ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh “Cả nước, mỗi địa phương phải xác định các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực để tập trung bảo vệ, phát triển, đầu tư một cách bền vững”.
Trong việc quản lý, thực hiện quy hoạch rừng, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phải gắn tái cấu trúc lâm nghiệp với ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển du lịch, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hoá; gắn tái cấu trúc bảo vệ rừng với bố trí lại dân cư, đi đôi với yêu cầu bảo vệ rừng, trồng rừng, từ đó nâng cao đời sống người dân.
Giao công tác bảo vệ, phát triển rừng cho người dân
Một yêu cầu quan trọng cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh là làm sao tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội vào bảo vệ, quản lý, phát triển và khai thác rừng có hiệu quả.
Theo đó, trước hết phải bảo đảm bố trí đủ ngân sách Trung ương và địa phương. Cùng với đó, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế-xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng thông qua việc giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân.
“Giao công tác bảo vệ, phát triển rừng cho doanh nghiệp và người dân, bảo đảm tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến”, Phó Thủ tướng nói.
Việc tổ chức sản xuất lâm nghiệp phải được thực hiện theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế; lấy doanh nghiệp làm động lực nhằm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu.
“Doanh nghiệp tạo đầu vào cho người dân, liên hết, hỗ trợ người dân, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm lâm nghiệp, phát triển kinh tế lâm nghiệp, do đó họ phải được đặt vào vai trò trung tâm của liên kết chuỗi sản xuất”, Phó Thủ tướng nói.
Coi trọng nội địa, lấy thị trường quốc tế làm mục tiêu
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, phải tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững.
Cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai hiệu quả, chặt chẽ việc cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với quy định, thông lệ của quốc tế. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện, hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hiệp định chung với EU và các hiệp định song phương với các nước có tiềm năng để mở cửa thị trường cho thương mại, xuất nhập khẩu lâm sản.
“Đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, nhưng phải luôn lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển các sản phẩm ngành lâm nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Một yêu cầu quan trọng khác cũng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ, phát triển rừng. Thông qua công tác tuyên tuyền để nâng cao sự hiểu biết trong nhân dân về các giá trị to lớn của rừng, trách nhiệm của xã hội, các cấp uỷ Đảng, các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế-xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng.