Nguồn: Vietnam+
 
Đây là lần đầu tiên 12 nước tham gia ký kết TPP nhóm họp kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại đầy tham vọng này. Hội nghị mang tên “Đối thoại cấp cao về đề xuất hội nhập châu Á-Thái Bình Dương” có sự tham gia của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia TPP cùng với đại diện của Trung Quốc, Hàn Quốc và Colombia. Tuy nhiên, Mỹ chỉ cử Đại sứ nước này tại Santiago Carol Perez (Ca-rôn Pê-rết) tới dự.

Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz (Hê-ran-đô Mu-nốt) nhấn mạnh hội nghị do nước này thúc đẩy là cơ hội để phát đi thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do và đối phó với chủ nghĩa bảo hộ nền công nghiệp trong nước, đồng thời khẳng định nước này sẽ tiếp tục theo đuổi tự do thương mại. Tuy nhiên, ông Munoz cũng cảnh báo rằng hội nghị ở Chile chỉ là bước đi đầu tiên và có thể không đạt được một hiệp định thương mại mới.

Trả lời báo giới trước khi khai mạc hội nghị kéo dài 2 ngày này, ông Muñoz cho biết ở thời điểm hiện tại, 11 nước còn lại của TPP sẽ cần phải đàm phán lại thỏa thuận này và Santiago sẵn sàng hỗ trợ các cuộc đối thoại nhằm tận dụng tối đa những điều khoản đã đạt được sau gần 1 thập kỷ đàm phán. Ông Muñoz khẳng định, với Mỹ hay với Trung Quốc, Chile cũng sẵn sàng theo đuổi tự do thương mại.

TPP bao gồm các thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Mỹ và 11 nước đối tác đạt được thỏa thuận TTP vào tháng 10/2015. Thỏa thuận này đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, TPP rơi vào tình trạng khó khăn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt này. Hiện nay, một số thành viên TPP bao gồm Australia, New Zealand, Chile và Singapore đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại không có Mỹ, được gọi là "TPP11" hoặc "TPP 12-1".

* Trong diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN tại Canada cùng ngày dẫn kết quả một cuộc thăm dò mới đây cho thấy, đa số người dân Canada muốn nước này rút khỏi TPP, đồng thời yêu cầu chính phủ phải minh bạch và tham vấn công chúng rộng rãi hơn trong các thỏa thuận thương mại tự do trong thương lai.

Cụ thể, phần lớn trong tổng số 28.000 người được hỏi cho biết họ phản đối TPP vì chính phủ đã không tham vấn rộng rãi người dân trong quá trình đàm phán. Ngoài ra, những người trả lời cũng bày tỏ quan ngại về các vấn đề liên quan đến lao động, môi trường, dân chủ, kinh tế, dịch vụ công, chăm sóc sức khỏe, bản quyền kỹ thuật số và trao quyền lợi quá nhiều cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, Hội đồng Canada cùng hơn 200 tổ chức khác đại diện cho người dân quanh khu vực vành đai Thái Bình Dương cũng ra tuyên bố hối thúc các chính phủ bãi bỏ TPP, tiến hành quy trình thảo luận minh bạch, cởi mở hơn để tìm ra giải pháp thay thế giúp ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức kinh tế, môi trường và xã hội trong thế kỷ 21./.