Theo đó, Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á – Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển, thương mại và thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững được Chính phủ Việt Nam và Cơ quan đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về nhóm các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển (UN-OHRLLS) phối hợp tổ chức, diễn ra từ 7 - 9/3.
Hội nghị đã thảo luận các vấn đề chính của hợp tác trung chuyển và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực Á – Âu. Trong ba ngày, các Bộ trưởng và đại diện cao cấp từ các nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức khu vực và tiểu vùng, khu vực tư nhân, đại diện các cơ quan, quỹ, chương trình, viện nghiên cứu thuộc hệ thống Liên hợp quốc đã chia sẻ các thông lệ và kinh nghiệm, tập trung vào việc thực hiện Chương trình hành động Viên cho các nước đang phát triển không có biển giai đoạn 2014-2024 (VPoA) và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Hội nghị hoan nghênh việc Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTFA) có hiệu lực, mang lại lợi ích tiềm năng to lớn cho các nước đang phát triển không có biển trong việc giảm chi phí thương mại và tăng cường hợp tác với các nước trung chuyển láng giềng. Bộ Ngoại giao Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vit Nam
Ông Gyan Chandra Acharya, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đại diện cấp cao cho các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển của cho biết: “Hội nghị là cơ hội hiếm có để tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề trung chuyển, tạo thuận lợi thương mại và hợp tác khu vực, những vấn đề quan trọng đối với phát triển bền vững của các nước không có biển và trung chuyển trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030. Chung tay hành động và quan hệ đối tác toàn cầu có thể giúp các nước không có biển trở thành các nước kết nối với đất liền (landlinked)”. Hội nghị cũng đưa ra các khuyến nghị, nhấn mạnh về sự cần thiết lồng ghép Chương trình hành động Viên và Chương trình nghị sự 2030 vào các kế hoạch, chiến lược và ngân sách quốc gia. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các nước đang phát triển không có biển và các nước trung chuyển trong việc thiết lập hệ thống vận tải trung chuyển và cơ sở hạ tầng chất lượng, hiệu quả, đáng tin cậy và an toàn. Các đại biểu cũng kêu gọi sự hỗ trợ hơn nữa của cộng đồng quốc tế cho các sáng kiến hợp tác song phương và khu vực của các nước đang phát triển không có biển và các nước trung chuyển nhằm hỗ trợ các nước này đạt được các mục tiêu của cả Chương trình hành động Viên và Chương trình nghị sự 2030. Hợp tác mang tính xây dựng giữa các nước đang phát triển không có biển và các nước trung chuyển là nhân tố quyết định nhằm tạo thuận lợi cho dòng lưu chuyển hàng hoá nhanh và dễ dàng hơn từ các nước không có biển đến các cảng, như một cách tiếp cận khu vực để tạo thuận lợi cho thương mại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu: “Qua kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng tôi nhận thức rằng tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại là yếu tố sống còn đối với tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi tin tưởng rằng thành công và thịnh vượng của các nước láng giềng sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển của chúng tôi, và giúp đạt mục tiêu phát triển bền vững của cả khu vực”. Các khuyến nghị của Hội nghị sẽ giúp các nước đang phát triển không có biển đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và sẽ được trình lên Hội nghị Bộ trưởng Thương mại của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào cuối năm nay.
32 nước đang phát triển không có biển phải đối mặt với các thách thức phát triển do bất lợi về địa lý do thiếu khả năng tiếp cận với biển, cách xa thị trường thế giới. Có 34 nước trung chuyển cung cấp các dịch vụ quá cảnh cho các quốc gia không có biển và các cảng biển lớn cho các nước không có biển sử dụng. Chương trình hành động Viên nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các nước không có biển và các nước trung chuyển nhằm cải thiện và duy trì kết nối cơ sở hạ tầng, cải tiến công tác hành chính, kỹ thuật tại các hệ thống vận tải, hải quan và hậu cần. Chương trình hành động Viên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các thể chế và môi trường pháp lý thuận lợi. Hợp tác hiệu quả giữa các nước đang phát triển không có biển và các nước trung chuyển có ý nghĩa quyết định cho sự tham gia hiệu quả của các nước này trong thương mại khu vực và toàn cầu và hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng giao thông quá cảnh. Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Chương trình hành động Addis Ababa ghi nhận các nhu cầu và thách thức đặc biệt của các nước đang phát triển không có biển và nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các nỗ lực phát triển của các nước không có biển. Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị với sự hỗ trợ của Liên minh Giao thông đường bộ quốc tế, Tổ chức Hải quan Thế giới và Chính phủ Nhật Bản./.