Việt Nam chủ trì thảo luận ‘Đoàn kết bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh’
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các cuộc cách mạng công nghiệp đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, nhưng cũng để lại những hệ quả vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường toàn cầu.
Thực trạng này đòi hỏi mọi quốc gia đoàn kết, hành động có trách nhiệm vì một hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh những nỗ lực của các quốc gia trong giải quyết và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH); đặc biệt là Thỏa thuận Paris tại Hội nghị COP 21 năm 2015. Đây là một thỏa thuận lịch sử, là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm trong ứng phó với BĐKH.
Cùng với Thỏa thuận Paris, các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến môi trường của Liên Hợp Quốc trong Chương trình Nghị sự phát triển 2030 sẽ mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu, đó là phát triển phát thải carbon thấp với các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường; hạn chế, tiến tới xóa bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi hoan nghênh chủ đề của Hội nghị lần này, đó là 'Đoàn kết để định hình tương lai', nhấn mạnh tinh thần đoàn kết nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh trên toàn thế giới, trong đó có vấn đề đoàn kết để bảo đảm một hành tinh khỏe mạnh”.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho rằng, trong tất cả những vấn đề lớn của thế giới, phụ nữ là chủ thể quan trọng vì tri thức, năng lực của phụ nữ là nguồn lực quý giá, đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, bảo vệ môi trường ở bất kỳ một quốc gia nào.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng, ảnh hưởng tới môi trường và an ninh quốc gia. Với tinh thần trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với BĐKH, và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang triển khai Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có chương riêng về ứng phó với BĐKH, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ứng phó BĐKH của các cơ quan Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, với vai trò đại diện cao nhất của nhân dân, Quốc hội các nước quyết định các vấn đề trọng yếu của quốc gia liên quan đến ứng phó với BĐKH và thực hiện quyền giám sát triển khai những nội dung này.
Để tăng cường vai trò của nữ giới, đặc biệt là các nữ nghị sĩ trong việc đoàn kết để bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh, một hành tinh xanh, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu quan tâm tới những vấn đề như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; giám sát việc thực thi và tạo điều kiện phân bổ ngân sách thỏa đáng cho việc triển khai các chính sách liên quan đến việc bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.
Thứ hai, các cơ quan lập pháp các nước, trong nhiệm vụ quyền hạn của mình, thúc đẩy lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên thực hiện bình đẳng giới, việc làm bền vững và môi trường bền vững.
Thứ ba, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn và nâng cao kỹ năng cho phụ nữ để có thể tham gia giảm thiểu các tác động của BĐKH và giảm rủi ro thiên tai.
Thứ tư, cần tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiếp cận các nguồn tài chính để cùng nhau xây dựng những chương trình, dự án tiến tới một nền kinh tế carbon thấp, ứng phó với BĐKH có tính đầy đủ đến thực hiện bình đẳng giới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội nghị cùng rà soát thường xuyên việc thực hiện các đề xuất đã thông qua hằng năm, đánh giá kết quả đạt được và các hạn chế, tồn tại để đưa ra phương hướng giải quyết tốt nhất.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, Quốc hội Việt Nam rất quan tâm, ủng hộ và theo dõi, giám sát việc thực hiện của Chính phủ với 3 hoạt động.
Thứ nhất, Quốc hội Việt Nam chỉ đạo, rà soát toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật cho bảo đảm, phù hợp với những cam kết mà Việt Nam phê chuẩn, cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Thứ hai, với chức năng phê chuẩn ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm, Quốc hội Việt Nam ưu tiên phân bổ nguồn lực để thực hiện các chương trình ứng phó với BĐKH cũng như thực hiện các cam kết.
Thứ ba, Quốc hội Việt Nam thực hiện giám sát việc thực thi của Chính phủ để bảo đảm những cam kết mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, hiệu quả và hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang “biến lời nói thành hành động”, giống như chủ đề Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) năm 2015 - một văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện SDGs mà Liên Hợp Quốc đang xây dựng đến năm 2030.