Giữ nếp nhà truyền thống
Để có được những ngôi nhà gỗ chắc chắn, bền và đẹp, ngoài sự nỗ lực của gia chủ, còn phải kể đến bàn tay sáng tạo của những người thợ mộc. Công việc của họ tuy thầm lặng, nhưng góp phần giữ “hồn” những nếp nhà gỗ truyền thống, tạo vẻ đẹp độc đáo cho diện mạo nông thôn vùng cao Lào Cai.“Trăm hay không bằng tay quen”
Mới 50 tuổi, nhưng ông Tẩn Chỉn Phiếu, thôn Tả Lé, xã Nậm Pung (Bát Xát) không thể nhớ nổi từ ngày làm nghề đến giờ đã dựng được bao nhiêu ngôi nhà gỗ cho đồng bào mình. Ông Phiếu chỉ nhớ, khi 15 tuổi, ông đã bắt đầu theo học nghề của những người thợ mộc từ tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) lên dựng nhà cho những người trong thôn. Đến gần 20 tuổi thì ông Phiếu quen việc và có thể tự mình phụ trách một nhóm thợ đo đạc, xẻ gỗ, đục mộng… để dựng được ngôi nhà gỗ hoàn chỉnh. Từ đó đến nay, công việc dựng nhà gỗ của ông Phiếu và những người thợ trong xã Nậm Pung cứ thế tiếp tục, với hàng trăm ngôi nhà có quy mô khác nhau.
Công việc dựng nhà gỗ vất vả nhưng thu nhập lại không cao. |
Ngày chúng tôi đến, ông Phiếu cùng đội thợ gồm 5 người của mình bắt đầu phạt mộc làm ngôi nhà gỗ mới cho anh Lý Díu Thàng ở cùng thôn. Ngôi nhà rộng trên 100 mét vuông, có 5 gian, 2 chái, để hoàn thành, riêng phần gỗ làm cột, xà cũng “ngốn” của ông chủ hàng chục mét khối. Ngắm nghía một lúc, sau đó lựa chọn những cây to, dài, chắc chắn để làm cột, ông Phiếu nói với gia chủ: “Những chiếc cột này không đều lắm, việc đẽo gọt sẽ mất rất nhiều thời gian. Chất lượng gỗ tạm được, nhưng phần xà thì cần thêm vài cây gỗ to nữa để khi dựng lên, nhà sẽ đẹp, chắc chắn hơn”.
Sau khi lựa chọn xong phần gỗ vào từng mục, nhóm thợ của ông Phiếu không ai bảo ai, mỗi người vào một vị trí, hoàn thành phần việc của mình. Anh Tẩn Diếu Vần - người thợ có hàng chục năm kinh nghiệm làm nhà gỗ được ông Phiếu giao cho công việc đo đạc, bật mực, đánh dấu vị trí cần phải cưa, đục... Anh Vần tâm sự: “Trước đây, khi chưa có kinh nghiệm, tôi đã không ít lần nhầm lẫn, cưa bị hụt, hay đục sai vị trí, thậm chí phải bỏ gỗ đi. Dựng hoàn chỉnh một ngôi nhà gỗ có hàng trăm chi tiết, vì thế, người thợ phải có tư duy và trí nhớ thật tốt. Nhưng, “trăm hay không bằng tay quen”, dựng nhà nhiều, giờ chỉ cần liếc qua, tôi cũng biết cần phải làm gì”.
Dựng nhà gỗ không đơn giản
Không như những vật liệu khác, gỗ luôn là mối quan tâm hàng đầu của người vùng cao khi quyết định dựng nhà. Tuy nhiên, có được khối lượng gỗ đủ để làm nhà bây giờ không phải dễ dàng. Nhiều người phải bỏ ra hàng chục năm thu gom mới có đủ số gỗ cần thiết. Anh Lý Díu Thàng cho biết: “Để làm được ngôi nhà gỗ, gia đình tôi phải gom gần chục năm mới đủ gỗ. Hầu hết, số gỗ làm nhà là khai thác từ cây nhà trồng, còn một phần mua lại của bà con trong thôn. Trước đây, dựng nhà có nhiều gỗ tốt, nhưng từ khi đóng cửa rừng, thì chỉ còn những loại gỗ như: Xoan, mỡ, keo… của người dân tự trồng. Thuận lợi là giờ đây có nhiều loại thuốc để chống mối mọt, nên việc dựng nhà cũng yên tâm, đảm bảo độ bền và đẹp hơn”.
Khó nhất trong việc hoàn thiện một ngôi nhà gỗ là cắt, đục mộng kiểu mang cá... Ngoài tính chính xác đến từng milimet để khi tháo lắp được dễ dàng, các mộng trong ngôi nhà còn đảm bảo tính thẩm mỹ. Chỉ cần nhìn vào các chỗ tiếp nối, nơi có các lỗ mộng là có thể đoán được trình độ, tay nghề của người thợ. Không như những công việc khác, việc làm nhà gỗ của người thợ vùng cao hoàn toàn được làm thủ công. Những chiếc thước vuông, quả dọi… hết sức đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc. “Những dụng cụ này gắn bó với tôi hàng chục năm, dựng được hàng trăm ngôi nhà gỗ trong và ngoài vùng. Những thiết bị đo dọi hiện đại không thể dùng được vào việc dựng nhà gỗ” - ông Phiếu cho biết thêm.
Nhà gỗ của đồng bào vùng cao đa dạng về hình thức, kích thước, tùy theo điều kiện kinh tế và gu thẩm mỹ của chủ nhà. Người giàu thì dựng 5 gian, thậm chí 2 - 3 tầng. Những ngôi nhà này, ngoài việc cần sự khéo léo và trình độ của đội thợ, các loại gỗ cũng phải được lựa chọn kỹ, đủ độ dài, rộng, đảm bảo chắc chắn khi thi công, hoàn thiện. Những năm gần đây, mặc dù gỗ khá khan hiếm, trong khi đó, các vật liệu xây dựng như: Gạch, cát, xi măng, sắt… rất nhiều, nhưng nhiều người dân vùng cao vẫn ưa chuộng nhà gỗ. Ngoài đây là nếp nhà truyền thống, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, thì việc tận dụng nguồn gỗ ngay tại địa phương cũng tiết kiệm được nhiều. Bên cạnh đó, nhiều nơi ở vùng cao, đường giao thông đi lại khó khăn, nên chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng rất cao.
Nhiều thôn, bản vùng cao, người dân vẫn giữ được những nếp nhà gỗ truyền thống cho riêng mình. |
Thu nhập thấp nhưng vẫn giữ nghề
Không như những nghề khác, nghề dựng nhà gỗ cho đồng bào vùng cao vất vả, nhưng thu nhập lại chẳng đáng kể. Được biết, ở vị trí thuận lợi, một ngôi nhà 3 gian 2 chái cần ít nhất 5 người thợ có tay nghề, thời gian hoàn thành hơn một tháng, trừ hết chi phí, ngày công của thợ chính cũng chỉ được khoảng 200 - 250 nghìn đồng, thợ phụ từ 130 - 150 nghìn đồng.
Mặc dù thu nhập không cao, nhưng nhóm thợ của ông Phiếu vẫn nhận làm hết nhà này đến nhà khác. Lý giải về điều này, ông Phiếu vui vẻ nói: “Đây là nghề của mình, học mất nhiều thời gian mới thành, hơn nữa công việc này đã nuôi sống gia đình tôi mấy chục năm nay, không dễ gì mà bỏ. Nghề làm nhà gỗ ngoài mang lại thu nhập thì đây còn là trách nhiệm, tình cảm với đồng bào mình. Mỗi ngôi nhà mới được dựng lên, chúng tôi cũng cảm thấy vui vì làm thôn, bản đẹp hơn”.
Chiều muộn, những người thợ làm nhà gỗ nghỉ tay, thu dọn đồ đạc, che đậy cẩn thận cho gỗ không bị ẩm ướt, để hôm sau lại tiếp tục với công việc. Làm nhà gỗ cho đồng bào vùng cao là công việc rất ý nghĩa, góp phần phát huy và lưu giữ những nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc.