Sơn ngàn vang điệu chầu văn
Ngược đường lên Tây Bắc trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, du khách thập phương sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đặc biệt. Đó là tín ngưỡng hầu đồng với âm hưởng của điệu chầu văn làm say đắm lòng người. Những ngôi đền dọc triền sông Hồng, nơi miền sơn cước, vùng biên ải xa xôi là không gian diễn xướng linh thiêng cho tín ngưỡng độc đáo này.Những ngôi đền của vùng Tây Bắc từ bao đời nay được du khách thập phương biết tiếng là linh thiêng, nơi gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ các vị tướng có công điều binh khiển tướng tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ vùng biên ải như đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ); đền Mẫu Đông Cuông (Yên Bái), đền Bảo Hà, đền Cô Tân An, đền Đôi Cô Cam Đường, đền Mẫu (Lào Cai)… từ lâu đã trở thành không gian thấm đẫm âm điệu chầu văn.
Dù mùa nào, thời gian nào, âm hưởng chầu văn gắn với tín ngưỡng hầu đồng ở những ngôi đền thiêng vùng Tây Bắc cũng dễ làm say đắm lòng người. Từ khắp mọi miền, du khách thập phương cùng “con nhang đệ tử” bấy lâu nay ngưỡng vọng sự linh thiêng và công đức của Mẫu, của các vị thánh thần, quan tướng cùng những thanh đồng về đây hành lễ. Những giá đồng được tiến hành theo đúng nghi lễ và tín ngưỡng.
Dàn hát chầu văn phục vụ giá đồng. |
Không gian cung thờ, phủ điện lộng lẫy sắc màu là nơi tín ngưỡng hầu đồng thăng hoa. Những giá đồng thường thấy ở những ngôi đền vùng Tây Bắc như giá đồng Cô Bé Thượng Ngàn, giá Cô Đôi Thượng ngàn, giá Mẫu Đông Cuông, giá ông quan Hoàng Bảy… Ở những giá đồng, những thanh đồng như nghệ sỹ đang biểu diễn một loại hình nghệ thuật tâm linh đặc biệt trong tín ngưỡng của người Việt. Sắc màu rực rỡ của trang phục, những động tác nhịp nhàng, uyển chuyển như đang hô mưa, gọi gió của những thanh đồng đưa người xem chìm vào một cõi linh thiêng, hư ảo và nhuốm màu sắc tâm linh.
Hòa mình vào không gian đặc biệt ấy, con người như lạc vào một miền chầu văn mà nhạc điệu cũng như lời hát vừa dìu dặt, vừa thánh thót ca ngợi vẻ đẹp của Mẫu Thượng Ngàn, của các vị tiền nhân. Thanh đồng, người hầu đồng và cả người xem như thể đang chìm đắm trong không gian huyền thoại, để gặp gỡ các vị thánh thần và mong được ban tài lộc, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu bao điều may mắn. Mỗi giá đồng đều hướng về một nhân vật trong tín ngưỡng thờ đạo Mẫu nói chung. Vì thế, âm điệu của mỗi giá đồng có một sức hấp dẫn riêng.
Trong mỗi giá đồng, khi âm điệu chầu văn vang lên, hòa vào khói hương, vào lòng người khiến cho không gian nơi đền thiêng, miếu cổ trở nên huyền diệu biết bao. Âm điệu ấy còn có sức lan tỏa, vang xa khắp không gian vùng Tây Bắc. Nơi sơn ngàn xa thẳm, những con suối trên nguồn, hoa trên núi, cá dưới sông như lắng nghe những thanh âm khi trầm lắng, khi vang lừng của những câu hát chầu văn.
Nhất là khi những giá đồng được tiến hành vào đêm khuya, không gian xung quanh vắng lặng, câu hát và âm điệu chầu văn nghe càng rõ nét hơn và thấm đượm hơn trong lòng người. Điệu chầu văn và tín ngưỡng hầu đồng ngược đường xa thẳm lên vùng Tây Bắc từ khi nào, khó lòng mà biết được. Chỉ biết rằng, nơi những ngôi đền thiêng của sơn ngàn, tín ngưỡng ấy đã thăng hoa trong cảm xúc của con người, hòa điệu cùng mây núi, cùng suối ngàn và đất trời Tây Bắc.