Các giải pháp nâng cao chất lượng du lịch Lào Cai
Du lịch đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong hơn 20 năm qua, du lịch Lào Cai có sự phát triển mạnh mẽ, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng lớn.Tỉnh Lào Cai đã và đang phát triển du lịch theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Một số loại hình du lịch đã được đưa vào khai thác và phát triển tốt như du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại Sa Pa, Bắc Hà; du lịch sinh thái gắn với Fansipan, Vườn quốc gia Hoàng Liên; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát; du lịch mua sắm tại thành phố Lào Cai qua hệ thống các siêu thị, chợ, các khu ẩm thực và tiếp nối với huyện Hà Khẩu – tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch trong tỉnh, việc mở rộng liên kết với các tỉnh lân cận cũng bước đầu được thúc đẩy. Điển hình là việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch về nguồn với Yên Bái và Phú Thọ; liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; hợp tác song phương Lào Cai – Lai Châu và Lào Cai – Hà Giang,...
Khách du lịch quốc tế đến Lào Cai ngày càng tăng, chiếm 33% tổng lượng khách đến (năm 2015)
Cũng trong giai đoạn 2011 – 2015, Lào Cai đã thu hút trên 20 dự án đầu tư đến khảo sát và đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đồng thời thu hút được trên 50 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khách sạn và khu vui chơi giải vào du lịch tỉnh Lào Cai như dự án khách sạn Quốc tế Đông Dương Sa Pa tiêu chuẩn 5 sao của Công ty Cổ phần Đầu tư Indochina, dự án Quần thể công trình du lịch, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa,...
Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch ở Lào Cai vẫn còn những hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển. Đặc biệt, từ khi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai khai thông và Cáp treo Fansipan đi vào hoạt động, lượng khách lên Sa Pa tăng mạnh vào những ngày cuối tuần và những ngày lễ, tết dẫn đến sự quá tải trong cung ứng dịch vụ du lịch. Nhiều điểm du lịch thiếu các dịch vụ hỗ trợ như nhà hàng, nhà nghỉ, quầy mua sắm… nên chưa phát huy được các thế mạnh, tiềm năng du lịch của địa phương và chưa giữ chân được khách du lịch.
Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa được đào tạo chuyên sâu, thiếu đội ngũ lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao, nhất là về đội ngũ hướng dẫn viên hay nhân viên phục vụ trong các nhà hàng nhỏ, các cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch, vì vậy chất lược phục vụ tại các cơ sở này chưa đạt yêu cầu.
Để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế trọng điểm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử; phát triển mạnh các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch, tăng cường hoạt động lữ hành, mở rộng tour - tuyến để tăng nguồn thu cho ngành du lịch.
Tăng cường công tác quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, trong đó không xây dựng nhà máy thủy điện, hầm mỏ khai thác khoáng sản tại những điểm, tuyến du lịch. Khoanh vùng bảo tồn các khu vực có giá trị đặc biệt, khu vực nhạy cảm về cảnh quan và đa dạng sinh học. Đối với khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên, cần nghiên cứu về sức chứa và quản lý sức chứa về khía cạnh tự nhiên, môi trường; có chính sách bảo vệ các động thực vật quý hiếm, cảnh quan tự nhiên, khai thác du lịch bền vững.
Các ngành chức năng của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, tạo hình ảnh Lào Cai an toàn, thân thiện trong lòng du khách, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, đẩy mạnh việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Xử phạt nghiêm đối với hành vi chèo kéo, chặt chém khách du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch./.