Khai thác tiềm năng, thế mạnh để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững
Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới thuộc địa bàn Tây Bắc, giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có đường biên giới trên 182 km; diện tích tự nhiên 6.384 km2; dân số gần 680 nghìn người, với 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64,1%. Tỉnh có 8 huyện và 1 thành phố, 164 xã, phường, thị trấn; là “cầu nối” trên hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), có vị trí chiến lược của cả nước.Xây dựng Sa Pa trở thành Khu Du lịch trọng điểm quốc gia. |
Sau gần 25 năm tái lập, Lào Cai đã thay đổi toàn diện, sâu sắc, trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 14,1%/năm. GDP bình quân đầu người đến hết năm 2015 đạt 39,4 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 28,3% (năm 2010) xuống 15,7% (năm 2015); công nghiệp, xây dựng tăng từ 37,8% (năm 2010) lên 43,1% (năm 2015); dịch vụ tăng từ 37,9% (năm 2010) lên 41,2% (năm 2015). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, gấp 3,17 lần giai đoạn trước, bình quân hằng năm tăng 18%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết năm 2015 đạt 5.505 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2010, tổng nguồn vốn huy động bình quân hằng năm tăng 25,3%.
Đạt được những thành quả trên, một mặt Lào Cai nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, sự hỗ trợ của bạn bè trong và ngoài nước, các nhà tài trợ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đến đầu tư, hoạt động kinh doanh tại Lào Cai. Mặt khác, Lào Cai đã chủ động biến những khó khăn, thách thức thành động lực, đồng thời nhận định đúng, trúng và phát huy hiệu quả thế mạnh của tỉnh.
Thế mạnh về tính liên kết, cửa khẩu: Do Lào Cai là “cầu nối”, là “cửa ngõ” không chỉ của Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Vân Nam và miền Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, mà còn là trung tâm của hành lang Bắc - Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). Để khai thác lợi thế này, Lào Cai đã tranh thủ sự ủng hộ, đồng thời tích cực, chủ động đề xuất, hợp tác, từng bước thực hiện và hoàn thiện hệ thống hạ tầng liên vùng và quốc tế như: Tuyến đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với tuyến đường cao tốc Hà Khẩu - Côn Minh có ý nghĩa quan trọng, là động lực phát triển toàn diện các lĩnh vực; tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai đã được nâng cấp; tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Sa Pa đã được khởi động; các tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang đang được chuẩn bị xây dựng, tạo thế liên kết vùng vững chắc; Cảng Hàng không Lào Cai đang được tích cực chuẩn bị để khởi công, đảm bảo tăng cường năng lực vận tải, vận chuyển xa hơn, nhanh hơn… Khu Kinh tế Cửa khẩu Lào Cai được khẳng định là “mũi nhọn” của tỉnh, giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu tăng hằng năm, năm 2015 đạt 2.144,3 triệu USD, gấp 2,6 lần so với năm 2010. Trong thời gian tới, khi Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đi vào hoạt động, kết nối vùng Tây Nam (Trung Quốc) ra Biển Đông, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Lào Cai sẽ tăng nhiều lần.
Thế mạnh về du lịch: Do đặc thù địa hình, nên Lào Cai có khí hậu ôn đới, tại các vùng núi cao trên 1.500 m so với mực nước biển (Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương), thời tiết mát mẻ vào mùa hè, thuận lợi phát triển cây ăn quả ôn đới, rau, hoa và cây dược liệu. Lào Cai còn sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, có dãy Hoàng Liên Sơn, với đỉnh Fansipan cao 3.143 m, được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”, là điều kiện thuận lợi, thế mạnh cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao. Lào Cai có vị trí trọng điểm về giao thông, thuận lợi cho kết nối du lịch vùng Tây Bắc với vùng Đông Bắc, với cả nước và với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Do đó, kinh tế du lịch Lào Cai đã có bước phát triển vượt bậc, nhiều dự án lớn đầu tư về du lịch đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, khai thác, như cáp treo Fansipan; các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và các dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới, như Công viên giải trí hiện đại, sân golf tại Sa Pa và thành phố Lào Cai. Ngoài ra, du lịch khám phá núi Hàm Rồng, thác Tình yêu, Làng cổ dân tộc Mông, chợ vùng cao…; các lễ hội hoa lan, hoa đỗ quyên, đua ngựa; du lịch tâm linh Đền Bảo Hà, Đền Thượng, Đền Đôi Cô, Đền Bắc Hà, đỉnh Fansipan… sẽ là các sản phẩm du lịch độc đáo và có quy mô quốc tế, góp phần đưa lượng khách đến Lào Cai trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân từ 30% - 40%/năm và dự kiến đến năm 2020, đạt trên 5 triệu lượt khách.
Thế mạnh về phát triển công nghiệp được khai thác hiệu quả: Lào Cai đã hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, tỷ lệ lấp đầy tính đến hết năm 2015 đạt 92%, trong đó Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng) là khu công nghiệp luyện kim, hoá chất lớn nhất cả nước, tập trung nhiều dự án công nghiệp chế biến trọng điểm như: Nhà máy Luyện đồng công suất 10.000 tấn/năm; Nhà máy DAP số 2 Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm; Nhà máy Gang thép Lào Cai công suất 500.000 tấn/năm; 20 nhà máy chế biến phân lân, sản xuất phốt pho vàng… Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2015 đạt 7.403 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với năm 2010. Hiện, Lào Cai đang đầu tư các dự án: Nhà máy Luyện đồng (công suất 30.000 tấn/năm); Nhà máy DAP số 3, Nhà máy Tuyển đồng Tả Phời… Kêu gọi đầu tư chế biến sâu từ đồng tấm, phôi thép, phốt pho vàng, sản xuất thức ăn gia súc, chế biến nông, lâm sản, công nghiệp phụ trợ (đồ dân dụng, may mặc) cần sử dụng nhiều lao động.
Thế mạnh về môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh: Liên tục trong nhiều năm, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lào Cai luôn đứng trong TOP đầu của cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh Tây Bắc (năm 2015 xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước), góp phần quan trọng vào kết quả thu hút đầu tư của tỉnh. Tính đến hết tháng 4/2016, trên địa bàn tỉnh có 565 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cam kết gần 80.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm: 28 dự án FDI, tổng vốn 11.000 tỷ đồng, 537 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn 69.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 46.250 lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2015 hơn 3.500 tỷ đồng.
Quốc phòng, an ninh, chính trị, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ổn định. Hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được kết hợp hài hòa, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Hợp tác quốc tế trở thành định hướng đối ngoại lớn của tỉnh, trọng tâm là quan hệ hợp tác tốt đẹp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong những năm qua. Đó cũng là các điều kiện thuận lợi để tạo môi trường đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu: Tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng Lào Cai tiến nhanh, tiến vững chắc trên tất cả các mặt, phấn đấu đến năm 2020, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc. Hiện, Lào Cai đang tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, các công trình, dự án lớn có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Mặc dù, đạt được những kết quả đáng khích lệ bước đầu, song Lào Cai vẫn còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ và sớm khắc phục. Để đạt được các mục tiêu về phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế về công nghiệp, dịch vụ, cửa khẩu, tạo ra đột phá cho khu vực; kết nối vùng Tây Bắc với cả nước và quốc tế, trong đó du lịch Sa Pa, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai được xác định là trung tâm tạo ra sự lan tỏa, tỉnh Lào Cai đề nghị:
Một là, Chính phủ, đại sứ quán các nước, các tổ chức tài trợ, các định chế tài chính trong nước và quốc tế, các bộ, ban, ngành Trung ương và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục quan tâm, ủng hộ tỉnh Lào Cai trong việc tháo gỡ khó khăn, phát huy những kết quả đã đạt được. Cho phép tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch hằng năm tại Lào Cai để đánh giá kết quả đạt được và triển khai các nhiệm vụ tiếp theo. Sớm hỗ trợ để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng như: Cảng Hàng không Lào Cai; đường sắt khổ 1.435 mm tốc độ cao; đường thủy nội địa sông Hồng; xây dựng khu du lịch Sa Pa là trọng điểm quốc gia, đẳng cấp quốc tế; mở rộng Khu Kinh tế Cửa khẩu Lào Cai; hạ tầng Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2; kết nối đường cao tốc với các tỉnh trong vùng… Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi phía Bắc.
Hai là, các tỉnh, thành phố trong nước tăng cường liên kết vùng theo hướng hiệu quả, thiết thực, trọng tâm trên các lĩnh vực quy hoạch, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến sâu, thương mại, mậu dịch biên giới và nông nghiệp công nghệ cao.
Ba là, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các nhà khoa học, các nhà quản lý, hiến kế giúp Lào Cai có những giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao hơn nữa hiệu quả phục vụ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, đề nghị các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo định hướng khai thác lợi thế hiệu quả.
Bốn là, BIDV và các tổ chức tích cực tài trợ, hỗ trợ Lào Cai tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ đầu tư, sản xuất, nhất là các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn.
Tỉnh Lào Cai tin tưởng chắc chắn rằng, với mục tiêu hướng về cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp lớn trong nước và ngoài nước, các nhà tài trợ và sự nỗ lực của tỉnh, Lào Cai và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.
Nguyễn Văn Vịnh
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh