Người dân Tả Van Giáy làm homestay

Anh Dì Văn Sẩu ở thôn Tả Van Giáy 1, xã Tả Van (Sa Pa) - vùng đất cách trung tâm thị trấn du lịch Sa Pa khoảng 10 cây số nhớ lại chuyện cách đây mấy năm. Hôm đó, vừa đi làm nương về thì anh gặp một hướng dẫn viên du lịch, họ hỏi anh: “Anh Sẩu à, có thích làm homestay kiếm tiền không?”. Anh Sẩu thắc mắc thầm trong bụng: “Người này nói gì mà nửa Tây, nửa ta, chả hiểu?”. Cũng chính vì sự “chả hiểu” ấy mà anh nảy ý định tìm hiểu. Và đến bây giờ, gia đình anh thực sự “đổi đời” nhờ mạnh dạn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tưởng như vu vơ đó.

ThônTả Van Giáy - điểm đến thu hút nhiều du khách nước ngoài.

Theo chân đoàn khách du lịch, chúng tôi dừng chân trước một ngôi nhà ở giữa thôn Tả Van Giáy 1. Ngôi nhà sàn làm bằng gỗ theo kiểu truyền thống nhưng khang trang với những tiện nghi khá hiện đại. Bên đầu cầu thang, khoảng chục khách ngoại quốc đang trao đổi bằng tiếng Anh với nhân viên lễ tân là vợ của chủ nhà. Vẫn còn nguyên sự tất tả của người làm nội trợ và quen với mùa vụ, vẫn khoác trên mình trang phục truyền thống như bao phụ nữ vùng cao khác, nhưng cách nói chuyện tự nhiên với du khách phương Tây bằng những cái nhún vai, khoa tay và biểu cảm trên khuôn mặt, khiến chị trở thành một người khác. Trong lúc này, anh Dì Văn Sẩu đang mải gấp chăn, màn trên giường nghỉ dành cho khách, dường như không để ý các vị khách vừa bước vào nhà. “Khách không có yêu cầu cao, nên vợ chồng tôi tự làm hết các công việc. Vợ lên huyện đón khách từ sáng sớm, còn mình ở nhà dọn dẹp phòng nghỉ, phòng ăn, khi rảnh rỗi thì học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp”, anh Sẩu chia sẻ với chúng tôi.

Gia đình anh Sẩu kinh doanh dịch vụ này đến nay đã được gần chục năm. Kể lại câu chuyện làm homestay, anh Sẩu thừa nhận rằng, trước khi đón khách nghỉ lại nhà, anh không hề biết về loại hình dịch vụ này. Gia đình anh vốn chỉ quen với việc chăm sóc cây lúa, cây ngô, đâu biết rằng, ngôi nhà của mình có thể hấp dẫn du khách tới tham quan và nghỉ lại. Sau khi được hướng dẫn viên nọ gợi ý, anh “đánh liều” làm thử. Ban đầu, anh Sẩu kê 3 - 4 chiếc giường tạm và chỉ thu từ 20.000 - 30.000 đồng mỗi khách nghỉ qua đêm. Dần dần, có khách đều, nguồn thu nhập ngày càng khá lên, anh Sẩu quyết “một phen” làm giàu. Anh gọi thợ đến sửa chữa nhà ở, nâng số giường tăng gần 10 lần và mức giá cũng nâng lên từ 50.000 - 70.000 đồng/khách tùy theo ngày trong tuần. Ngoài ra, anh còn mở thêm dịch vụ ăn uống, hướng dẫn cho du khách. “Làm dịch vụ du lịch cũng không khó khăn lắm nếu nắm được nhu cầu, tâm lý của khách, cái khó nhất là học ngoại ngữ. Ban đầu mình biết ít ngoại ngữ, nên cũng ngượng và liên tục phải ra hiệu bằng tay khi giao tiếp với khách, giờ thì tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga mình đều nói được kha khá, hóa ra, nếu cứ cố gắng thì sẽ làm được mà”, anh Sẩu vui vẻ cho biết.

Dịch vụ homestay phát triển mạnh tại thôn Tả Van Giáy.

Đường dẫn vào thôn Tả Van Giáy bây giờ đã khác trước rất nhiều, ở đó luôn rộn bước chân du khách; hai bên đường, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi ngày càng nhiều. Ông Sì Văn Cang, Bí thư Đảng ủy xã Tả Van cho biết, du lịch, dịch vụ phát triển đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Ở thôn Tả Van Giáy, những hộ tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch đều được xếp vào diện hộ khá, giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cơ cấu kinh tế của xã Tả Van cũng nhờ đó có sự chuyển dịch đúng hướng, đó là nâng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm dần sản xuất nông nghiệp. Từ con số không, đến nay xã đã có 58 hộ làm dịch vụ du lịch và 29 hộ bán hàng lẻ hàng hóa; các hộ kinh doanh tập trung chủ yếu tại địa bàn thôn Tả Van Giáy 1 và Tả Van Giáy 2.

Là một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, xã Tả Van đã và đang tận dụng lợi thế để phát triển các dịch vụ đi kèm. Người dân Tả Van nhận ra rằng, hoạt động kinh doanh - dịch vụ du lịch cần được đổi mới liên tục; làm hài lòng du khách là hướng phát triển bền vững nhất. Khi du khách tới đây, điều hấp dẫn họ chính là vì người dân địa phương luôn giữ gìn nếp sinh hoạt truyền thống và thái độ thân thiện, gần gũi với khách./.

Theo Ngô Luyên/LCĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...