Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Quốc hội phê chuẩn TPP
Trong một bước đi nhằm gây sức ép với Quốc hội do phe Cộng hòa toàn quyền kiểm soát, ngày 2/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng việc Trung Quốc đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) làm nổi bật sự cấp bách của việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ảnh minh họa. (Nguồn: bmsadvisors.com) |
Trong khi đó, Tổng thống Obama khẳng định TPP sẽ cho phép Mỹ "nắm quyền chi phối" về thương mại với châu Á và đó là lý do Chính phủ Mỹ chủ trương phối hợp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Đồi Capitol để TPP nhận được sự phê chuẩn của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Trên thực tế, Tổng thống Obama đã đẩy nhanh các nỗ lực nhằm hoàn tất TPP trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2017. Tuy nhiên, Nhà Trắng cần phải vượt qua được quan điểm phản đối của nhóm nghị sỹ cánh tả trong đảng Dân chủ và các nghị sỹ cánh hữu bên đảng Cộng hòa.
Tâm lý lo lắng của cử tri Mỹ về sự ảnh hưởng của TPP đối với việc làm và môi trường cũng là một chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016.
Trong bài xã luận trên, Tổng thống Obama nói rằng ông thấu hiểu sự hoài nghi của cử tri, song "việc xây các bức tường tự cô lập chúng ta với nền kinh tế thế giới" sẽ gây phản tác dụng đối với chính nền kinh tế Mỹ.
Tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng Thương mại của 12 nước tham gia đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã tham dự lễ ký kết để xác thực lời văn của TPP tại Auckland (New Zeland).
Sau lễ ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn hiệp định này theo quy định của pháp luật nước mình.
Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản về việc các bên đã hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ. Theo các nhà kinh tế, TPP chiếm 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP của thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, RCEP gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác - gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Tiến trình đàm phán RCEP được khởi động từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn tất, do những bất đồng liên quan đến vấn đề về quy mô và phương thức đàm phán.
Nếu được thành lập, RCEP sẽ tạo ra một "sân chơi" mới, chiếm 45% dân số thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm khoảng 1/3 tổng GDP của toàn cầu hiện nay, giúp thúc đẩy mạnh tăng trưởng thương mại và đầu tư trong khu vực.
Hồi tháng Ba vừa qua, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2016, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi các nước liên quan hoàn tất đàm phán về RCEP ngay trong năm nay./.