Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cu-ba thông qua 4 nội dung lớn

Từ ngày 16 đến ngày 19/4/2016, tại thủ đô La Ha-ba-na (Cu-ba) đã diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cu-ba (PCC). Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cu-ba diễn ra trong bối cảnh tình hình Cu-ba tiếp tục ổn định; an ninh, chính trị được giữ vững; kinh tế tăng trưởng khoảng 4%; công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII cơ bản đã hoàn thành; quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế được triển khai sâu, rộng với các bước đi thận trọng, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực; các hình thức kinh tế tự doanh, cá thể, mô hình hợp tác xã phi nông nghiệp tiếp tục được mở rộng, tuy quy mô còn hạn chế; đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện.

Toàn cảnh Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII
của Đảng Cộng sản Cu-ba tại La Ha-ba-na ngày 16/4 (Ảnh: THX/TTXVN)

Trên lĩnh vực kinh tế, xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế tiếp tục là ngành kinh tế lớn nhất (Hiện khoảng 65.000 chuyên gia Cu-ba có mặt ở hơn 80 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là bác sỹ, chuyên gia, nhân viên y tế.), mang về cho Cu-ba khoảng 6-8 tỷ USD/năm. Kiều hối, khoảng 3 tỷ USD là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai. Lượng khách du lịch vào Cu-ba tăng mạnh, dự kiến hết năm 2015 sẽ đón 3,5 triệu khách, tăng 18%, đạt doanh thu xấp xỉ 3 tỷ USD. Tuy nhiên, kinh tế Cu-ba tiếp tục phải đối phó với vấn đề tồn tại song song hai đồng tiền và chủ trương thống nhất tiền tệ vẫn chưa được thực hiện bởi tác động của nó tới các doanh nghiệp nhà nước và vấn đề việc làm của người lao động. Bên cạnh đó, Luật đầu tư nước ngoài mới và hoạt động của Đặc khu Phát triển Mariel, do nhiều lý do khách quan và chủ quan (Cấm vận, thiếu nhiều văn bản dưới luật, nghị định, hướng dẫn, quy định…), đến nay mới có một số các dự án của Mexico, Tây Ban Nha đi vào hoạt động; đa số các dự án khác vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Cu-ba tích cực triển khai chính sách đối ngoại năng động, đặc biệt với Mỹ, EU và một số nước lớn trên thế giới cho thấy khả năng Cu-ba bước vào một giai đoạn phát triển mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Đây là những những tiền đề quan trọng để Cu-ba sẽ giành được những kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội phồn vinh và bền vững.

Đảng Cộng sản Cu-ba (PCC) được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cách mạng: Phong trào 26/7, Đảng Xã hội Nhân dân và Phong trào 13/3. Năm 1961, ba tổ chức trên thoả thuận hợp nhất thành “Các Tổ chức Cách mạng Hợp nhất” (OIR), sau đó ít lâu đổi tên thành “Đảng Thống nhất Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Cu-ba” (PURSC). Ngày 3/10/1965 đổi tên chính thức thành Đảng Cộng sản Cu-ba (PCC). Sau khi thành lập, do phải đương đầu với nhiều khó khăn, đặc biệt là với chính sách bao vây, phong toả của Mỹ, mãi tới năm 1975 (sau 10 năm), PCC mới tổ chức Đại hội I. Năm 1969, Đảng chỉ có 55.000 đảng viên, chiếm 0,7% dân số, trở thành đảng cộng sản cầm quyền nhỏ nhất thế giới. Từ thập niên 1970, PCC bắt đầu chú trọng phát triển số lượng đảng viên. Tại Đại hội Đảng lần thứ nhất năm 1975, PCC đã có 200.000 đảng viên và tới năm 1985 có 520.000 đảng viên.

Tháng 4/2011, sau 14 năm không tổ chức Đại hội (vì các lý do chủ quan và khách quan khác nhau), PCC tổ chức Đại hội VI. Đại hội đã thông qua đường lối cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế đất nước; nêu rõ tính bất cập của mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp và nhu cầu cấp bách phải thay đổi mô hình này với sự tham gia của các thành phần kinh tế phi Nhà nước, sự phân cấp quản lý ngày càng sâu rộng và tính tự chủ ngày càng cao của các doanh nghiệp. Đại hội cũng quyết định đẩy mạnh các biện pháp cải cách kinh tế-xã hội, mở rộng mô hình kinh tế tự doanh, cung cấp tín dụng cho các lao động tự doanh, cắt giảm lực lượng lao động dôi dư trong khu vực Nhà nước, cắt giảm bao cấp (đã bỏ bao cấp đối với một số mặt hàng không thiết yếu), thực hiện chính sách thuế mới và từng bước xóa bỏ chế độ hai đồng tiền…

Tháng 1/2012, Hội nghị Đảng toàn quốc lần thứ nhất khẳng định vai trò độc tôn lãnh đạo toàn diện xã hội và Nhà nước Cu-ba và thông qua Nghị quyết về công tác Đảng với mục tiêu nâng cao năng lực, sức chiến đấu, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường quan hệ mật thiết với các tổ chức nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, giáo điều, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cơ hội nhằm thực hiện thành công đường lối kinh tế-xã hội được thông qua tại Đại hội VI.

Tháng 4/2016, các cấp ủy đảng đã tiến hành xong Đại hội cấp cơ sở, Đại hội cấp quận, huyện (từ tháng 9 tới tháng 11/2015) và cấp tỉnh (từ tháng 11 đến 6/12/2015). Nội dung chính được thảo luận tại đại hội các cấp là đánh giá, phân tích việc thực hiện “Đường lối Chính sách kinh tế và xã hội của Đảng và Cách mạng” do Đại hội VI thông qua và các mục tiêu của Hội nghị Đảng toàn quốc lần thứ nhất (1/2012), trong đó tập trung vào một số nội dung như vai trò của đảng viên tại cơ sở, công tác chính trị, tư tưởng đối với thanh niên; đánh giá 5 năm thực hiện đường lối cập nhật hóa, chính sách thúc đẩy sản xuất phát triển, liên hết giữa doanh nghiệp và nông dân; quan hệ giữa kế hoạch và năng lực sản xuất; vấn đề áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao sản xuất.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (2/12/1960), quan hệ Việt Nam – Cu-ba được duy trì, phát triển, thể hiện tình cảm, lập trường cách mạng kiên định, thuỷ chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đối với sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Cu-ba là nước đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong xây dựng đất nước của Việt Nam ngày nay; quan tâm thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam trên các lĩnh vực có thế mạnh như xây dựng, giao thông, công nghệ sinh học, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, nông nghiệp... 

Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian qua có bước phát triển mới. Sau một số năm chững lại (Trao đổi kinh tế thương mại năm 2012: 175 triệu USD, năm 2013: 192 triệu USD; năm 2014: 200 triệu USD (Việt Nam xuất siêu trên 90%). Cán cân thương mại chủ yếu nghiêng về phía Việt Nam (chỉ nhập từ Cuba 1-7 triệu USD/năm).), kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2015 là 235 triệu USD. Số doanh nghiệp Việt Nam sang Cu-ba khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư; tham dự Hội chợ; xúc tiến thương mại, đầu tư tăng mạnh. Các lĩnh vực du lịch, y tế, xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử, thủy sản, bất động sản... là những lĩnh vực các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Cu-ba với quy mô và số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức 2 lần nhân dịp nước Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Cu-ba (9/2015) và Hội chợ FIHAV 2015. Một số thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ đã và đang được hai bên đàm phán, ký kết; đặc biệt hai bên đang chuẩn bị để tiến hành đàm phán hiệp định thương mại mới Việt Nam – Cu-ba. Kỳ họp UBLCP lần thứ 33 đã được tổ chức thành công tại Hà Nội.

Sau 13 năm thực hiện, với sự hỗ trợ của Việt Nam, Dự án hỗ trợ Cu-ba sản xuất lúa gạo đã giúp Cu-ba nâng năng suất lúa từ 2,5 tấn/ha lên 4,65 tấn/ha, cá biệt có những hộ nông dân đạt năng suất 9 tấn/ha; sản lượng gạo tăng từ 80,000 tấn trước dự án lên khoảng 300,000 tấn năm 2014, đáp ứng được gần một nửa nhu cầu trong nước; diện tích canh tác được mở rộng từ 137,000 ha lên 190,000 ha hiện nay. Điều quan trọng hơn cả là dự án đã giúp nông dân Cu-ba tiếp thu và làm chủ được kỹ thuật canh tác lúa nước. Mục tiêu của Cu-ba là tự túc được lương thực trong những năm tới.

Ngoài Dự án hỗ trợ Cu-ba sản xuất lúa gạo, nhiều dự án khác hiện cũng đang được hai bên triển khai tại Cu-ba. Dự án hỗ trợ nuôi trồng thủy sản Cuba giai đoạn 2013 – 2016 tiến triển tốt, đã hoàn thành Bản Quy hoạch tổng thể về phát triển thủy sản tại Cu-ba đến năm 2030. Một số dự án khác đang trong quá trình đàm phán như Dự án xây dựng khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê giữa Hanel và Cu-ba; Dự án sản xuất bột giặt và tã lót tại đặc khu Mariel.

Tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn; Việt Nam có nhiều thế mạnh trong các ngành nông nghiệp (lúa gạo, cà phê, thủy sản...), viễn thông, điện tử, tin học, điện gia dụng, hàng tiêu dùng, xây dựng và vật liệu xây dựng; ngược lại, Cu-ba có thế mạnh lớn trong giáo dục đào tạo, y tế, công nghệ sinh học, dược phẩm và du lịch. 

Đại hội VII Đảng Cộng sản Cu-ba lần này sẽ bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (BCH TW, BCT, BBT) và Đại hội tập trung thảo luận và thông qua 4 nội dung lớn: Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI (4/2011) và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội tới năm 2030; Tầm nhìn quốc gia, các trụ cột, mục tiêu và lĩnh vực chiến lược; Đánh giá việc thực hiện đường lối cập nhật hóa mô hình kinh tế và các mục tiêu của Hội nghị Đảng toàn quốc lần thứ nhất (01/2012); Xác định khái niệm về mô hình phát triển kinh tế và xã hội xã hội chủ nghĩa của Cu-ba; Xác định các lĩnh vực và các ngành chiến lược cho phát triển kinh tế và xã hội của Cu-ba. Đại hội VII sẽ bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (BCH TW, BCT, BBT). 

Đảng Cộng sản Cu-ba tiếp tục đổi mới công tác xây dựng Đảng, nội dung nhất quán và Đảng Cộng sản Cu-ba ưu tiên là tăng cường các tổ chức cơ sở Đảng nhằm nâng cao tính chiến đấu, tính gương mẫu của đảng viên, đặc biệt trong bối cảnh Cu-ba đang đẩy mạnh công cuộc cập nhật hóa mô hình phát triển với việc gia tăng các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và quan hệ với Mỹ đang từng bước được cải thiện.

Trong những năm gần đây hai nước Việt Nam và Cu-ba trao đổi nhiều đoàn cấp cao, nổi bật về phía Cu-ba có: Chủ tịch Fidel Castro (2/2003), Phó Chủ tịch Raul Castro (4-5/2005), Chủ tịch Quốc hội Ricardo Alarcon (6/2007), Chủ tịch Raul Castro (7/2012); Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch HĐBT Marino Murillo (10/2012), Phó Chủ tịch thứ Nhất HĐNN và HĐBT Miguel Díaz-Canel (6/2013); Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch HĐNN, Bí thư Thành ủy La Habana, Lazara Mercedez (9/2014); Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch HĐNN Salvador Valdes Mesa (6/2015), Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nông nghiệp và Lương thực Trung ương Cuba Santiago Pérez Castellanos (9/2015). Về phía Việt Nam có đoàn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (6/2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (9/2009), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (9/2010), Phó Thủ trướng Trương Vĩnh Trọng (6/2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (4/2012), Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh (9/2013); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (3/2014); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2015), gần đây nhất là đoàn Đặc phái viên của TBT Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Hoàng Bình quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương dẫn đầu đi thông báo kết quả Đại hội XII (tháng 3/2016). Hai đảng đã tiếp tục ký Thỏa thuận Trao đổi hợp tác giai đoạn 2014-2019; tổ chức thành công Hội thảo Lý luận giữa hai đảng (11/2012, 11/2014), dự kiến Hội thảo lần thứ ba sẽ được tổ chức vào cuối năm 2016 tại Việt Nam. 
Theo Mạnh Hùng/dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.

Đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) trong những năm qua duy trì đà phát triển tích cực. Cơ chế chính sách thuận lợi, cùng những thành tựu ấn tượng về kinh tế-xã hội đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại châu...

Liên hợp quốc thúc giục hành động vì khí hậu

Ngày 24/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tiếp tục cảnh báo nhân loại sẽ phải trả giá khủng khiếp vì thiếu hành động quyết liệt trước tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông Guterres nhấn mạnh, thế giới không còn nhiều thời gian để tránh thảm họa do biến đổi khí hậu.

Cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát triển

Vô vàn những thách thức, như xung đột, suy thoái kinh tế, nạn đói, biến đổi khí hậu… đặt gánh nặng lên cuộc sống của người dân ở nhiều quốc gia. Nhóm họp tại thành phố Pescara của Italia mới đây, Bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nêu quan ngại về cuộc khủng hoảng đang kìm hãm tiến...