Các bộ trưởng G7 trong buổi hội nghị. Ảnh: TTXVN
 

 Tuyên bố Hiroshima kêu gọi xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Hội nghị cũng đồng thời ra tuyên bố đề cập đến tình hình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải. 

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (Phư-mi-ô Ki-si-đa), chủ tọa Hội nghị, cho biết các ngoại trưởng G-7 nhấn mạnh quan điểm phối hợp các nỗ lực nhằm hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tuyên bố Hiroshima lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 1/2016 cũng như các vụ thử tên lửa đạn đạo trong thời gian gần đây. Đối với vấn đề này, các ngoại trưởng G-7 nhất trí yêu cầu Triều Tiên có những hành động cụ thể nhằm chấm dứt quan ngại của cộng đồng quốc tế, đồng thời nhất trí phối hợp để giải quyết vấn đề này.

Đối với chủ nghĩa khủng bố, Tuyên bố Hiroshima lên án các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại châu Âu trong thời gian qua và nhất trí sẽ lãnh đạo sự hợp tác toàn cầu trong nỗ lực ngăn chặn các vụ tấn công của các phần tử khủng bố, cực đoan. Tuyên bố khẳng định chủ nghĩa khủng bố là một thách thức cấp bách đối với an ninh toàn cầu, đòi hỏi sự phối hợp và đoàn kết hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Tuyên bố nhấn mạnh Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế cần có sự phối hợp hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cho biết các ngoại trưởng đang soạn thảo kế hoạch hành động G-7 với các biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực của nhóm này trong nỗ lực chống khủng bố quốc tế. Dự kiến, kế hoạch này sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh G-7.

Ngoài các vấn đề trên, Tuyên bố Hiroshima còn đề cập đến một loạt vấn đề cộng đồng quốc tế quan tâm như người tỵ nạn, Afghanistan, Syria, an ninh mạng, biến đổi khí hậu…

Trong Tuyên bố Hiroshima về vấn đề an ninh hàng hải, các ngoại trưởng G-7 nhấn mạnh an toàn và tự do hàng hải là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đồng thời kêu gọi các quốc gia tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Tuyên bố cam kết G-7 sẽ nỗ lực để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại các vùng biển cũng như đảm bảo các hoạt động hợp pháp trên biển được quốc tế công nhận như đi qua vô hại, quá cảnh và sử dụng các lộ trình hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các ngoại trưởng bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời phản đối các hành động đơn phương mang tính khiêu khích hoặc gây sức ép nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng. Tuyên bố kêu gọi các nước kiềm chế các hành động bồi đắp trái phép quy mô lớn và xây dựng các cơ sở cũng như sử dụng các cơ sở này phục vụ mục đích quân sự.

Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến hành việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả.

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị ngoại trưởng G-7 tại Hiroshima, ngày 11/4, các ngoại trưởng G-7 đã thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân của vụ Mỹ ném bom hạt nhân xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945. Đây là lần đầu tiên, tất cả các ngoại trưởng G-7 đến thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima - động thái đang làm gia tăng dư luận về khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) thăm thành phố Hiroshima nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 tổ chức tại tỉnh Mie (Mi-ê) vào cuối tháng 5/2016.

Hội nghị ngoại trưởng G-7 là hội nghị đầu tiên trong khuôn khổ các hội nghị cấp bộ trưởng trước thềm Hội nghị cấp cao G-7 sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/5 tại tỉnh Mie, Nhật Bản./.