Khai thác tiềm năng du lịch tâm linh: Hướng tới phát triển bền vững

Tiềm năng du lịch tâm linh của Lào Cai rất lớn, song gần đây, khi công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, giao thông thuận tiện, thì loại hình du lịch này mới có nhiều khởi sắc.
Lễ hội đền Thượng tổ chức hằng năm thu hút đông đảo người dân và du khách.

Giàu tiềm năng

Chị Hồ Thị Vân, du khách đến từ tỉnh Kiên Giang khi chiêm bái tại Đền Thượng (thành phố Lào Cai) đã cảm nhận rằng: “Hiếm địa phương nào có quần thể di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc và hấp dẫn như Lào Cai. Mỗi di tích đều mang đến cho tôi cảm xúc rất riêng”.

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 di tích được đưa vào danh sách khai thác, phát triển du lịch tâm linh, như Đồn Phố Ràng, Đồn Nghĩa Đô, Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh (Bảo Yên); Đền Đôi Cô, Đền Mẫu, Đền Thượng, Đền Quan (thành phố Lào Cai); Đền Cô Tân An, Đền Ken (Văn Bàn); Đền Trung Đô, Đền Bắc Hà (Bắc Hà); Đền Mẫu (Sa Pa)… Gần đây, Tập đoàn Sun Group đưa vào khai thác tuyến cáp treo Fansipan tại Sa Pa, đã bổ sung thêm quần thể di tích Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ, làm phong phú thêm danh sách các điểm đến du lịch tâm linh của Lào Cai.

Xét về không gian văn hóa, các di tích lịch sử văn hóa thường có vị trí đắc địa, như cửa rừng, cửa sông, khe suối - nơi “hội tụ khí thiêng sông núi”, có cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa nên thơ, hấp dẫn du khách thập phương. Có thể kể đến các di tích như: Đền Bảo Hà (Bảo Yên) bên dòng sông Hồng; Đền Mẫu, Đền Thượng (thành phố Lào Cai) nằm ở điểm hợp thủy của dòng sông Nậm Thi và sông Hồng; Đền Trung Đô (Bắc Hà) bên dòng sông Chảy, giữa thung lũng Trung Đô; Đền Mẫu Sơn, Đền Hạ giữa núi rừng Sa Pa hùng vĩ… Một số di tích hiện là vị trí kết nối giao thông thuận lợi, tạo nên tuyến du lịch tiềm năng như: Đền Bảo Hà, Đền Đôi Cô, Đền Thượng, Đền Mẫu.

Cuối năm 2014, Lào Cai ký hợp tác thỏa thuận 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ về phát triển tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng và nhiều di tích lịch sử văn hóa của Lào Cai đã lọt vào danh sách kết nối tuyến du lịch hấp dẫn này. Sự hợp tác vùng đã có những hiệu ứng nhất định, điển hình như tại Lễ hội Đền Thượng (thành phố Lào Cai) được tổ chức trong tháng Giêng vừa qua, đã thu hút gần 10 vạn lượt du khách, cao gấp 3 lần so với năm 2015. Riêng chuỗi công trình kiến trúc văn hóa tâm linh tại khu du lịch cáp treo Fansipan đã thu hút hơn 40.000 lượt khách trong tháng đầu đi vào hoạt động. Cũng theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015, Lào Cai đón trên 1,4 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 350.000 lượt khách đến chiêm bái tại các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn.

Khai thác bền vững, có trọng điểm

Mới đây, tại Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam trong phát triển loại hình này. Đó là, coi du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa chuyên đề, một yếu tố mang lại tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là phát huy giá trị tinh thần. Đối với Lào Cai, phát triển du lịch nói chung, du lịch tâm linh nói riêng đang là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng sẵn có của tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định hướng phát triển của địa phương là: Tập trung khai thác bền vững, có trọng điểm, tránh phát triển ồ ạt du lịch tâm linh, nhất là tại các điểm di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Hiện, tỉnh có 30 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia, được đông đảo người dân trong tỉnh, du khách trong và ngoài nước quan tâm. Đặc thù của loại hình du lịch tâm linh thường tập trung vào mùa lễ hội, nên Lào Cai khuyến khích các thành phần kinh tế khai thác các tuyến du lịch tâm linh bền vững, liên tục với sự đa dạng hóa sản phẩm, hoạt động để nâng hiệu suất, thời gian khai thác loại hình này trong năm. Cùng với đó, không chỉ tập trung khai thác, Lào Cai còn đặc biệt quan tâm đến công tác trùng tu, cải tạo các di tích lịch sử văn hóa có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng và mở rộng không gian khai thác. Bên cạnh đó, đề xuất xếp hạng và xếp hạng các di tích cũng được tỉnh chú trọng hơn để bảo tồn các giá trị văn hóa./.

Theo Ngô Luyên/LCĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...