2.275 xã vào diện đầu tư Chương trình 135
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh sách 2.275 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm giai đoạn 2016 - 2020.Các tỉnh có nhiều xã khó khăn được đưa vào diện đầu tư của Chương trình 135 là Cao Bằng 148 xã, Hà Giang 141 xã; Lào Cai 113 xã; Thanh Hóa 115 xã; Lạng Sơn 111; Sơn La 102 xã; Điện Biên 98 xã...
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt danh sách 80 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 năm 2015. Trong đó, tỉnh có nhiều xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 là Bình Phước và Thái Nguyên, mỗi tỉnh có 12 xã; Lào Cai 7 xã; Sóc Trăng 8 xã; Trà Vinh 7 xã;...
Năm 2014, 2015, Chương trình 135 đầu tư cho 2.331 xã (ngân sách trung ương đầu tư 2.295 xã, ngân sách địa phương đầu tư 36 xã), 3.509 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ngân sách trung ương đầu tư 3.448 thôn, bản; ngân sách địa phương đầu tư 61 thôn, bản) với tổng số vốn từ ngân sách nhà nước là 7.790 tỷ đồng.
Tại Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135). Chương trình nhằm nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hoà nhập vào sự phát triển chung của cả nước; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.