Làm báo cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao (*)

Việt Nam là một quốc gia cộng đồng gần 60 dân tộc anh em chung sống, có lịch sử phát triển lâu dài trong cả một quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hàng ngàn năm.
Mỗi dân tộc có tiếng nói riêng (nhiều dân tộc có chữ viết riêng), có bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, tạo nên một  bức tranh tươi đẹp, rực rỡ sắc màu mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Dân tộc nào cũng yêu nước, một lòng theo Đảng làm cách mạng xây dựng Tổ quốc, đi theo con đường Bác Hồ đã chọn. Nhưng do trình độ dân trí thấp nên sự hiểu biết về mọi mặt - nhất là về khoa học kỹ thuật và quan hệ xã hội có những sự nhận thức chênh lệch, lại thêm những phong tục tập quán cổ hủ, chưa được cải tạo làm cho sự phát triển không đồng bộ, có vùng phát triển nhanh, có vùng phát triển chậm, có vùng giàu có và có vùng nghèo đói, lạc hậu. Về kiến thức văn hóa, người vùng cao, vùng sâu, vùng xa thường kém hơn vùng thấp, vùng đồng bằng, thành thị. Từ đó, việc nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân vùng cao thường chậm hơn, khó khăn hơn nhiều so với vùng thấp, vùng thành thị.


Trang 1 báo dành cho đồng bào các dân tộc số 1 (tháng 5 /1994).

Nếu như ở vùng thấp, báo chí đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, đọc báo, nghe đài đã trở thành thói quen, thì ở miền núi, vùng cao, nhu cầu này mới đang được tạo lập để cố hình thành thói quen cho bà con các dân tộc.

Xưa nay, có người tưởng rằng, cứ đầu tư in báo thật nhiều rồi phát không cho bà con thì sẽ xóa được tình trạng thiếu đói thông tin ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Xin thưa rằng, nếu không giải quyết được nạn mù chữ thì tờ báo nội dung hay đến mấy, hình thức in ấn đẹp đến mấy cũng không có giá trị gì hơn một tờ giấy trắng mà người dân sẵn sàng dùng nó làm tờ giấy gói muối, cá khô và thuốc lào!

Lại có người tưởng rằng, ưu tiên cho bà con các dân tộc thì cứ in nhiều tờ báo, đặc san, ảnh đẹp rồi “phân phối” về các bản làng, bà con vốn ưa hình ảnh. Màu mè “trực quan sinh động” thì sẽ đưa được Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống (!?). Xin thưa, đã mù chữ, mù tiếng thì “quân nào cũng là quân ta, quân nào cũng là quân Tây cả”, chẳng qua chỉ “lừa” được mấy ông có quyền cấp kinh phí là trợ giá mà thôi!

Bởi vậy, làm báo cho bà con dân tộc vùng cao không phải là chuyện quá dễ dãi. (Ở đây chúng tôi chưa đề cập đến phát thanh và truyền hình).

Vậy thì làm báo cho vùng cao cần theo phương thức nào?

Trước hết, tờ báo phát triển được hay không phải tùy thuộc vào kết quả giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Người dân mới học chữ, biết đọc, biết viết, họ sung sướng lắm. Lấy gì để “ôn luyện kiến thức” cho họ, bảo đảm họ không tái mù? Lúc này là lúc tờ báo cần xuất hiện. Nhưng không phải là thứ báo thông thường như chúng ta thường có; đây phải là loại báo chữ to, nhiều hình ảnh, thông tin thật ngắn gọn (đôi khi chỉ cần như chú thích ảnh), ngôn ngữ phải rất dân dã, đơn giản, gần gũi với đời sống hàng ngày, để người dân đọc được, dịch ra tiếng dân tộc mình được và hiểu được.

Một  thời gian sau, dần dần mở lượng thông tin rộng hơn, lượng chữ nhiều dần lên để đáp ứng yêu cầu thông tin của người dân.

Nội dung của tờ báo phải rất thiết thực, gắn liền với đời sống hàng ngày, trả lời những câu hỏi mà người dân cần hỏi, ví dụ như:

- Mùa này, tháng này, trồng cây gì, trồng như thế nào thì sai quả, tốt củ?

- Nuôi con gì thì nhanh lớn, chóng béo, bán được nhiều tiền?

- Ăn ở thế nào là sạch sẽ, không bị ốm đau, không mất tiền mua thuốc. Tập quán phong tục nào là tốt cần giữ gìn, cái gì là sai cần phải bỏ đi.

- Làm thế nào để giữ được rừng, giữ được nguồn nước, không bị lũ ống, không bị núi sập, đất lở...

- Làm thế nào để sinh được con khỏe, dạy con ngoan.

- Làm cách nào để mọi dân tộc đoàn kết bên nhau, cùng chung sống xây dựng làng bản ngày càng giàu đẹp.

- Làm thế nào để việc ma chay, cưới xin đỡ tốn kém, không bị đói nghèo...

Những câu hỏi tưởng rất dễ trả lời, nhưng không dễ đâu. Người dân tộc không đi xa, giao tiếp hẹp, người ta cần những điều trông thấy, nghe thấy, sờ thấy được. Vậy là phải lấy ngay những hình ảnh gần nhất, ngay trong thôn, làng, trong xã của họ. Còn nếu chúng ta chụp ảnh, viết ở những nơi xa xôi thì họ cũng chỉ quan niệm “Ở đấy người ta mới làm được như thế, còn ta không làm được”, “Cái này không phải của bà con ta”.v.v...

Đừng tưởng người dân tộc nhận thức chậm. Họ thông minh và khéo léo hơn chúng ta rất nhiều. Một ông mù chữ, chỉ giới thiệu qua loa vài câu là có thể điều khiển xe máy chạy vù vù. Một quả bom nằm trong đất, cần phải có bộ đội công binh tháo gỡ, với bà con dân tộc thì chuyện ấy dễ như… đi múa khèn, uống rượu vậy!

Bởi vậy, hướng dẫn cho họ trên tờ báo chỉ cần có tranh vẽ hoặc ảnh đi kèm, họ xem qua là hiểu liền, không cần dài dòng.

Trong đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, chống bọn phản động lợi dụng tuyên truyền xấu cũng vậy. Người ta cần có những dẫn chứng, so sánh cụ thể. Đừng có nói dối. Nói dối một lần thì cả đời không nói lại được, một khi người dân mất lòng tin thì tốt hơn hết là im lặng mà chờ đợi. Có lần, một cán bộ tuyên truyền bảo rằng: - Không có ông trời! Dân hỏi:

- Thế ở trên đầu ta gọi là gì?

- Là trời, cán bộ trả lời.

- Thế thì có ông trời rồi. Cán bộ đã lên được nhà ông trời chưa?

Tịt! Hết đường trả lời...

Làm báo cho người vùng cao đừng có “ngây ngô hóa” những lời lẽ của người dân. Cần nâng cao dần kiến thức của họ, nhưng đừng vội vã mà viết kiểu văn chương, hoa mỹ, những từ ngữ không có trong vốn từ vựng của họ. Nói thế, khác nào nói tiếng nước ngoài với những người mù ngoại ngữ.

Người vùng cao vốn nói gọn, trực diện. Đưa báo lên vùng cao mà viết bài dài, rồi truyện ngắn, một vài ngàn từ thì chẳng khác nào đánh đố họ. Họ đánh vần hoặc đọc xong bài ấy thì mất cả một ngày đi nương, ra ruộng. Đọc xong phần đuôi thì chả còn nhớ phần đầu, thành ra vô dụng.

Nói như thế, không phải không có người vùng cao đã có kiến thức khá hơn (nhất là số cán bộ xã, học sinh phổ thông...), nhưng ở đây chúng ta đang đề cập làm tờ báo cho đồng bào vùng cao nói chung. Ngay bản tin “Miền núi và dân tộc” của TTXVN, nhiều người vẫn cho là nhiều chữ quá, dài quá, mặc dù họ thích xem. Vì vậy, ta phải kiên trì, từ từ, phát triển tờ báo cùng với sự nghiệp phát triển kiến thức văn hóa của họ, dần dần tờ báo nhất định có chỗ đứng trong lòng nhân dân các dân tộc và nó sẽ trở thành nhu cầu thiết thân của người dân. Ma két báo cũng phải thay đổi luôn để tránh nhàm chán. Nhưng các chuyên đề thì phải cố định để bà con dễ tìm đọc.

Làm báo vùng cao cầu kỳ và tốn kém hơn báo thông thường. Người có trình độ khá đọc báo vùng cao cảm thấy ngồ ngộ, buồn cười. Anh hãy đặt mình vào vị trí một người mới học xong lớp 1, chính tả còn chưa thạo, lại thêm tiếng phổ thông mới bập bẹ, thì không còn đâu mà cười được nữa!

Người vùng cao thường thích ví von. Nói nhiều mà không làm thì như sấm mà chẳng có mưa.

Làm báo cho người vùng cao chỉ có thể bằng sự kiên nhẫn, bằng tình thương yêu bà con các dân tộc, những người đã hết lòng che chở, nuôi giấu, bảo vệ cách mạng năm xưa, nay vẫn còn trong cảnh đói nghèo, mù chữ, thiếu đói thông tin, cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn gian khổ...

Hãy đến với họ như những người bạn chân thành và chung thủy. Chúng ta đã rơi nước mắt khi thấy cảnh 4 gia đình người dân lấy kéo cắt tờ báo ra 4 phần để chia nhau, vì trong đó có ảnh gia đình họ. Còn hạnh phúc nào hơn thế nữa không?

Gần 10 năm làm tờ báo ảnh cho đồng bào các dân tộc vùng cao Lào Cai, chúng tôi coi như đây là cánh tay nối dài tờ tin ảnh “Miền núi và dân tộc” của Thông tấn xã Việt Nam. Một vài kinh nghiệm nêu trên chỉ là những điều chúng tôi rút ra trong hoạt động thực tiễn để đồng nghiệp tham khảo. Và chúng tôi đang kiên trì bước trên con đường đầy gian nan nhưng cũng rất hạnh phúc ấy!

(*): Bài rút trong tập: Vận hội của mùa xuân, xuất bản năm 2002.

 
(theo LCĐT)

Tin Liên Quan

Cảnh giác với lừa đảo kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Ngày 16/9, Sở Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 1256 /STTTT-TTBCXB về cảnh giác với lừa đảo trên mạng xã hội kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Phát sóng di động tại 100% xã trên địa bàn toàn tỉnh

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, các khu vực trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng thiệt hại cả về người, tài sản, công trình công cộng, trong đó có công trình hạ tầng viễn thông (cột, nhà trạm, tuyến truyền dẫn) trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Miễn thu phí đường bộ đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa cứu trợ thiệt hại do bão Yagi

Theo đề nghị của Cục đường bộ Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 3 khi đi qua các trạm thu phí đối với 4 dự án đường cao tốc đang khai thác...

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong khảo sát khu tái định cư cho các hộ dân thôn Kho Vàng

Chiều 15/9, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đi khảo sát thực địa vị trí, phương án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) và nơi tạm lánh trên núi của 17 hộ dân với 115...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra

Chiều 12/9, sau khi thị sát hiện trường sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cấp ngay 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai để khắc phục hậu quả mưa lũ

Như Báo Lào Cai đã đưa tin, chiều 12/9, sau khi thị sát hiện trường sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra.