Tự hào truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển

Nhìn lại 65 năm từ ngày được giải phóng, bức tranh toàn cảnh của tỉnh Lào Cai đã đổi thay vô cùng sâu sắc. Trình độ phát triển của Lào Cai đang từng bước tiến kịp xu thế chung của đất nước và thời đại. Đó là niềm tự hào của mỗi người dân Lào Cai.



Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng Anh hùng Lao động cho
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Lào Cai.

Ngày 01/11/2015, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai vui mừng, phấn khởi kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng (01/11/1950 - 01/11/2015). Trong suốt chiều dài 65 năm, Lào Cai trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, từ kháng chiến chống thực dân Pháp, tiễu phỉ, chống xâm lược Mỹ, sáp nhập, chia tách, có lúc ở tình thế vô cùng khó khăn, phức tạp. Song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; đoàn kết, chung sức phấn đấu lập nên nhiều kỳ tích vẻ vang, xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng tươi đẹp, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà; xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, đi lên CNXH.

Năm 1950, Lào Cai gồm 8 huyện, thị xã: Bắc Hà, Mường Khương, Bản Lầu, Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát, Phong Thổ và thị xã Lào Cai; dân số khoảng 15 vạn người. Đến tháng 5/1955, huyện Phong Thổ chuyển sang thuộc Khu tự trị Thái – Mèo; tiếp đó huyện Bản Lầu sáp nhập với huyện Mường Khương. Từ tháng 1/1976, Lào Cai sáp nhập với tỉnh Yên Bái và Nghĩa Lộ để thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Tháng 10/1991 tỉnh Lào Cai được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn để thành lập 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Năm 2004, huyện Than Uyên tách ra khỏi Lào Cai, trở thành huyện thuộc tỉnh Lai Châu. Lào Cai hiện nay có 8 huyện, 1 thành phố, với tổng diện tích 6.384 km²; dân số khoảng 660.000 người, 27 thành phần dân tộc cùng chung sống.

Lào Cai là tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, luôn phải sớm đối đầu với kẻ thù từ bên ngoài vào xâm lược nước ta. Điều kiện hoàn cảnh đó đã hun đúc nên truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân các dân tộc Lào Cai. Nhờ phát huy truyền thống đó, ngày 01/11/1950) Lào Cai trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực miền núi phía Bắc được giải phóng. Từ đó đến nay Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Lào Cai cùng quân dân cả nước tiếp tục tô thắm thêm truyền thống đó trong gìn giữ, xây dựng đất nước.

Ngay sau ngày được giải phóng, Lào Cai là một trung tâm gây phỉ của thực dân Pháp, quân dân Lào Cai với sự chi viện của chính phủ, bộ đội chủ lực đã thực hiện nhiều đợt tấn công tiễu phỉ, giữ vững nền độc lập, phá tan âm mưu gây phỉ, thành lập nhà nước “tự trị” của thực dân Pháp và các thế lực tay sai, phản động trên địa bàn tỉnh. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Lào Cai đã thành lập 2 tiểu đoàn độc lập: Hoàng Liên Sơn 1, Hoàng Liên sơn 2, động viên hàng vạn thanh niên ưu tú của các dân tộc trong tỉnh lên đường đánh mỹ. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), Lào Cai là một mặt trận chủ lực, quân dân Lào Cai phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, kiên cường đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Từ khi bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc, Lào Cai trở thành hình mẫu xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Tháng 12/2007, Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong các tỉnh biên giới phía Bắc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới quốc gia với Trung Quốc; là tỉnh đầu tiên thực hiện kết nghĩa giữa các địa phương qua biên giới; tổ chức tuần tra chung giữa bộ đội biên phòng 2 bên; phối hợp đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra trên biên giới thông qua biện pháp hòa bình.


 
Thành phố Lào Cai ngày càng hiện đại.

65 năm trước đây, đại đa số người dân Lào Cai sống trong cảnh đói nghèo cơ cực, lạc hậu, 95% dân số mù chữ, ốm đau không thuốc chữa bệnh, tập quán lạc hậu chi phối…Ngày nay, tuyệt đại đa số người dân trong tỉnh được học hành tiến bộ. Tất cả các xã, thôn đều có trường học, điểm trường; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú phát triển, trở thành nòng cốt của giáo dục vùng cao. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hệ thống trường chuyên nghiệp được thành lập đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động. Các huyện đều thành lập được trung tâm dạy nghề, các xã, thị trấn đều thành lập trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống y tế phát triển từ tỉnh đến cơ sở... đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

65 năm trước tỉnh chưa có các cơ quan thông tin đại chúng, nay các chương trình truyền hình của tỉnh được phát sóng trên vệ tinh VINASAT. Hệ thống báo chí, bản tin, thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư, phát triển; 90% hộ dân trong tỉnh được xem Truyền hình Việt Nam, 97% hộ dân được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam; điện thoại, Intenet phủ sóng toàn tỉnh...nhu cầu tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được thỏa mãn. Kinh tế liên tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ngay từ khi thực hiện chủ trương xây dựng hợp tác xã, đưa nông dân vào làm ăn tập thể, Lào Cai đã xuất hiện nhiều hợp tác xã tiên tiến.

Từ khi thực hiện cơ chế kinh tế mới, Lào Cai là tỉnh có tốc độ phát triển sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường khá nhanh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn như lúa, ngô, chuối, dứa, quế, rau, hoa... Từ thành phố tỉnh lỵ đến các vùng nông thôn đều có hệ thống chợ, cơ sở dịch vụ phát triển, thúc đẩy sự chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất tự cấp tự túc sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ khi hội nhập kinh tế quốc tế, Lào Cai trở thành đầu cầu trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; là cầu nối, điểm chung chuyển hàng hóa, làm ăn với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Từ chỗ là tỉnh thuần nông, nay Lào Cai trở thành tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ khá nhanh, nhất là công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, du lịch, dịch vụ. Lào Cai đã hình thành khu công nghiệp luyện kim lớn nhất nước; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 84,3%, nông nghiệp chỉ còn 15,7% trong GDP. Lào Cai trở thành tỉnh phát triển năng động, sáng tạo, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh những năm gần đây luôn được xếp thứ hạng cao, năm 2012 đứng thứ 2 toàn quốc. Nhờ làm ăn năng động mà thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2015 đạt 39,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 13,8%, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên không ngừng.

Trước đây đi lại vô cùng khó khăn do không có đường xá, cầu cống, nay trên địa bản tỉnh có đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh bạn; trong tương lai không xa sẽ có cả đường hàng không đi trong và ngoài nước. Đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã, liên thôn phủ khắp trên địa bàn.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phát triển không ngừng, bảo đảm vai trò lãnh đạo, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Năm 1950, Đảng bộ Lào Cai mới có 284 đảng viên, chủ yếu ở các cơ quan cấp tỉnh và huyện, tổ chức đảng ở cấp xã hầu như chưa có, đến năm 1954 mới xây dựng được 7 chi bộ ở xã. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 15 Đảng bộ trực thuộc, 679 tổ chức cơ sở đảng với gần 40.000 đảng viên; 100% thôn có chi bộ đảng độc lập. Hệ thống chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu quản lý mọi mặt đời sống xã hội, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong tỉnh...

Nhìn lại 65 năm từ ngày được giải phóng, bức tranh toàn cảnh của tỉnh Lào Cai đã đổi thay vô cùng sâu sắc. Từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu, khó khăn, vất vả, nay Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách thập phương. Trình độ phát triển của Lào Cai đang từng bước tiến kịp xu thế chung của đất nước và thời đại. Đó là niềm tự hào của mỗi người dân Lào Cai.

Vui mừng, phấn khởi trước sự đổi thay sâu sắc của tỉnh, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn nghiêm túc nhận rõ những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình phát triển. Điều đó đã được các đại hội Đảng bộ tỉnh chỉ rõ, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV vừa mới diễn ra. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy lợi thế; xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, hệ thống chính trị vững mạnh; đoàn kết, dân chủ, đổi mới...Đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc, là tỉnh khá của vùng miền núi phía Bắc vào năm 2020, phát triển cao hơn vào những năm tiếp theo./.
Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai thu hút trên 2,7 triệu lượt khách du lịch

Theo số liệu thống kê của sở Du lịch, 04 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Lào Cai ước đạt trên 2,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế trên 298.000 lượt, khách nội địa trên 2,4 triệu lượt, tăng 5,88% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ

Chú trọng tạo nguồn, kết nạp Đảng cho thanh niên ưu tú chuẩn bị lên đường nhập ngũ góp phần nâng cao chất lượng chính trị trong thanh niên, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong quân ngũ. Năm 2024, Bảo Yên là địa phương điển hình trong triển khai công tác này.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh

Bắt nhịp với xu thế phát triển mới, Lào Cai đang thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là trong thu hút đầu tư và bước đầu đạt kết quả tốt.

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.