Việt Nam – Pháp nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược

Trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, hai Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Pháp đã thống nhất về nội hàm, lộ trình thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Pháp.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Pháp Laurent Fabius, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Pháp từ ngày 26-28/3.


Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius

Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã đến chào Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, hội kiến Chủ tịch Thượng viện Jean-Pierre Bel và Chủ tịch Hạ viện Claude Bartolone, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp.

Tại các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo Pháp đánh giá cao chuyến thăm Pháp của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động phong phú trong khuôn khổ tổ chức Năm Việt Nam – Pháp/Pháp –Việt Nam tại mỗi nước.

Các nhà lãnh đạo Pháp bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, khẳng định Pháp coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam và mong muốn sớm đưa quan hệ hai nước lên tầm Đối tác chiến lược.

Các nhà lãnh đạo Pháp bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ vui mừng đến thăm Pháp và khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng, mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Pháp, đối tác chính trị, kinh tế, thương mại – đầu tư và hợp tác phát triển quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).

Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabiusđã trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ Việt Nam – Pháp là quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, tin cậy và phát triển mạnh mẽ trong những năm qua; khẳng định mong muốn đưa quan hệ lên tầm cao mới tương xứng với thực tế và triển vọng phát triển quan hệ song phương.

Trên tinh thần đó, hai Bộ trưởng đã tập trung thảo luận và thống nhất về nội hàm, lộ trình thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như Đối thoại chiến lược ngoại giao – quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng, Hội đồng cấp cao vì sự phát triển và hợp tác kinh tế và Diễn đàn kinh tế - tài chính (dự kiến sẽ được đổi mới thành Diễn đàn kinh tế cấp cao), Hội nghị hợp tác phi tập trung…; tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tổ chức tốt các hoạt động trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp và năm Pháp tại Việt Nam 2013 – 2014 nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại – đầu tư giữa hai nước phát triển tích cực ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, Pháp tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại – đầu tư và hợp tác phát triển hàng đầu của Việt Nam. Hai bên còn có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng, hàng không….

Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Laurent Fabius đánh giá cao và nhất trí tiếp tục sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế và đa phương, nhất là tại LHQ và trong khuôn khổ ASEM, ASEAN-EU, Tổ chức Pháp ngữ.

Pháp khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), thúc đẩy EU sớm công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường đầy đủ, khẳng định tích cực hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) và đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU.

Pháp bày tỏ quan tâm, ủng hộ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Sau hội đàm, hai bên đã ra Thông cáo báo chí chung giữa hai Bộ Ngoại giao về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên mức Đối tác chiến lược. Thông cáo báo chí chung khẳng định hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược trong Năm Pháp – Việt Nam nhân chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Quan hệ đối tác chiến lược sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác về chính trị, quốc phòng - an ninh; kinh tế - thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển; văn hóa, giáo dục đại học, khoa học - công nghệ...

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã chủ trì Lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức tối ngày 27/3, với sự tham gia của đông đảo chính khách, bạn bè Pháp và quốc tế.
 
(Theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Hiệp ước Xanh: Hành trình nhiều gian nan

Việc thực hiện Hiệp ước Xanh ở châu Âu đang đối mặt nhiều khó khăn do lo ngại về tác động kinh tế và sự phản đối từ một số ngành. Tuy nhiên giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khẳng định Hiệp ước Xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu của khối và liên minh sẽ “linh hoạt trong cách thức thực hiện” hiệp...

Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ đoàn kết trong Đảng đến đồng thuận xã hội

“Tôi chỉ có một đảng, Đảng Việt Nam” - Đó là lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I (ngày 31/10/1946). Đó là sự khẳng định của Người sáng lập ra Đảng, xây dựng thiết chế Nhà nước và mở đường kiến thiết...

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV

Sáng nay (20/5) Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.