Ngày thế giới phòng chống viêm gan: WHO nhấn mạnh đến cuộc chiến chống viêm gan B và C
WHO nhấn mạnh cuộc đấu tranh chống lại viêm gan B và C. (Ảnh: UN)
WHO khuyến cáo người dân cần chú ý bảo vệ chống lại các nguy cơ mắc bệnh viêm gan do máu không an toàn, tiêm không an toàn và dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy. 11 triệu người sử dụng ma túy bị lây nhiễm viêm gan B hoặc C. Trẻ em sinh ra từ các bà mẹ bị viêm gan B hoặc C và các đối tác tình dục của bệnh nhân viêm gan cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến khích tất cả các dịch vụ y tế cùng giảm thiểu nguy cơ bằng việc chỉ sử dụng thiết bị vô trùng để tiêm và làm các thủ tục y tế khác; kiểm soát tất cả các hoạt động hiến máu và kiểm tra máu để tìm ra các virus viêm gan B và C (và HIV, giang mai) và khuyến khích tiêm phòng viêm gan B. Ngoài ra, thực hiện tình dục an toàn, trong đó giảm thiểu số lượng các đối tác tình dục và sử dụng các biện pháp bảo vệ cơ học (bao cao su), cũng giúp bảo vệ chống lại lây nhiễm.
Khoảng 2 triệu người mắc bệnh viêm gan mỗi năm, là hệ quả của việc tiêm không an toàn. Các ca lây nhiễm này có thể tránh được nếu các kim tiêm được sử dụng là vô trùng và chúng được thiết kế để sử dụng một lần duy nhất.
WHO khuyến cáo tiêm phòng cho tất cả các trẻ em chống lại bệnh viêm gan B, căn bệnh tác động tới khoảng 780.000 nạn nhân mỗi năm. Một liều vắc-xin an toàn và hiệu quả có thể bảo vệ cuộc sống chống lại bệnh viêm gan B. Loại vắc-xin này nên được dùng càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ. Liều được sử dụng cho trẻ sơ sinh phải được tiếp tục thêm 2 hoặc 3 liều để hoàn thành.
WHO cũng khuyến cáo tiêm phòng cho những người trưởng thành có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan B. Đây là những người thường xuyên cần máu hoặc các sản phẩm máu (ví dụ như các bệnh nhân chạy thận), người chăm sóc, những người tiêm chích ma túy, các đối tác tình dục và các thành viên gia đình của những người bị viêm gan B mãn tính và những người có nhiều bạn tình.
Từ năm 1982, hơn 1 tỷ liều vắc-xin viêm gan B đã được sử dụng trên toàn thế giới và hàng triệu ca tử vong do ung thư gan và xơ gan đã tránh được. Trong một số quốc gia, nơi có khoảng 1/10 trẻ em bị nhiễm bệnh mãn tính với virus viêm gan B, tiêm phòng đã làm giảm tỷ lệ lây nhiễm mãn tính xuống dưới 1/100 ở trẻ em được tiêm chủng.
Cho đến nay, vẫn chưa có một loại vắc-xin chống viêm gan C. Hiện nay có nhiều loại thuốc có thể chữa khỏi hầu hết những người bị viêm gan C và điều trị viêm gan B. Những người được điều trị bằng các loại thuốc này rất ít khả năng chết vì ung thư gan hoặc xơ gan và ít có khả năng lây sang người khác.
WHO cũng khuyến cáo những người cho rằng mình đã mắc bệnh viêm gan cần kiểm tra để xem có cần điều trị để cải thiện sức khỏe hay không và làm giảm nguy cơ lây truyền.
Năm nay, những sự kiện chính đầu tiên được WHO tổ chức để kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống viêm gan sẽ được tổ chức tại Ai Cập, một trong những nước có tỉ lệ nhiễm bệnh viêm gan cao nhất thế giới (10% dân số trong độ tuổi 15 - 59 bị nhiễm viêm gan C mãn tính).
Vào tháng 9 tới đây, các quốc gia sẽ có cơ hội để trình bày thực tiễn tốt nhất của họ trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên chưa từng có trên toàn cầu về bệnh viêm gan, được tổ chức tại Glasgow, Scotland./.