Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Lào Cai

Sau 10 năm (2005 – 2015) thực hiện đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa theo Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa IX, đến nay công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có bước tiến bộ rõ nét, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh và bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo.
 
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ sinh học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, những năm qua, Lào Cai đã đẩy mạnh xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ cho công nghệ sinh học. Trong đó tỉnh tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học và công nghệ về công nghệ sinh học; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học và hỗ trợ tư vấn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh; đầu tư xây dựng Trại nghiên cứu và sản xuất giống lúa Bát Xát, Trại sản xuất rau quả Bắc Hà, nâng cấp, cải tạo phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật…

Thực hiện chủ trương phát triển công nghệ sinh học, Lào Cai ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng vùng trên từng địa bàn tỉnh. Hiện nay, công tác nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng (giống lúa, khoai tây, cây ăn quả…) ngày càng phát triển mạnh, đã quy hoạch thành các vùng giống tập trung tại huyện: Bát Xát (35 ha), Văn Bàn (28 ha), Bảo Thắng (20 ha), Bắc Hà (10 ha).



Thí điểm áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất lúa tại Văn Bàn. (Ảnh: Thanh Nga)

Trong năm 2011 – 2012, ngành nông nghiệp Lào Cai đã tổ chức lai tạo thành công 4 giống cây trồng mới, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công nhận gồm: Giống lúa lai 3 dòng LC25, giống lúa lai 2 dòng LC212, LC270 và giống lê VH6. Lào Cai cũng đã phục tráng thành công 2 giống lúa đặc sản Khẩu Nậm Xít và Chăm Pét; hoàn thiện quy trình chọn lọc dòng, nhân dòng một số giống lúa, khoai tây, cây ăn quả ôn đới; tiếp nhận và ứng dụng, làm chủ công nghệ sản xuất khoai tây sạch, công nghệ bảo quản khoai tây bằng kho lạnh; thực hiện thành công lai chuyển gen kháng bệnh bạc lá lúa vào dòng R212-KBL và 103S-KBL;…

Thông qua việc ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, tỉnh đã sản xuất và nhân giống thành công 19 loài hoa lan bản địa Sa Pa, tạo tiền đề cho công nghệ sinh học ở Lào Cai phát triển. Phương pháp nuôi cấy mô tế bào còn được ngành nông nghiệp tỉnh ứng dụng vào sản xuất thử nghiệm một số giống chuối tiêu hồng, chuối tiêu Đài Loan, chuối tây. Đây là sơ sở để phát triển và tiến tới sản xuất hàng hóa, tạo ngành nghề mới cho người dân địa phương.

Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học trong các lĩnh vực y, dược và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Hiện Lào Cai đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất ra các loại vắc xin chất lượng cao để bảo vệ đàn gia súc khỏi bị dịch bệnh đe dọa như bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh; thụ tinh nhân tạo cho đàn bò, đạt 1.112 con. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, xử lý chất thải như: Sử dụng đệm lót sinh học, sản xuất thức ăn vi sinh, xây dựng hầm bioga, xây dựng mô hình “Xử lý mùi nhà vệ sinh hộ gia đình vùng cao” bằng chế phẩm sinh học EMC 150g… đã tác động tích cực đến vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ mà Chỉ thị số 50-CT/TW đã đề ra, Lào Cai tập trung thực hiện tốt việc nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại của công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi; bảo quản và chế biến nông sản - lâm sản - thủy sản; xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và lĩnh vực y, dược.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường liên kết, hợp tác với cơ quan khoa học và công nghệ, công nghệ sinh học trong và nước ngoài về công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; có chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ sinh học…/.
Thanh Huyền

Tin Liên Quan

Lào Cai thu hút trên 2,7 triệu lượt khách du lịch

Theo số liệu thống kê của sở Du lịch, 04 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Lào Cai ước đạt trên 2,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế trên 298.000 lượt, khách nội địa trên 2,4 triệu lượt, tăng 5,88% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ

Chú trọng tạo nguồn, kết nạp Đảng cho thanh niên ưu tú chuẩn bị lên đường nhập ngũ góp phần nâng cao chất lượng chính trị trong thanh niên, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong quân ngũ. Năm 2024, Bảo Yên là địa phương điển hình trong triển khai công tác này.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh

Bắt nhịp với xu thế phát triển mới, Lào Cai đang thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là trong thu hút đầu tư và bước đầu đạt kết quả tốt.

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.