Việt Nam, Lào ký kết Hiệp định Thương mại biên giới

Chiều 27/6, tại Nghệ An, Lễ ký Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và CHDCND Lào đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavd Lengsavath.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng báo cáo với hai Phó Thủ tướng về quá trình đàm phán Hiệp định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khemmani Pholsena đã chính thức ký Hiệp định này.

Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước gồm 23 Điều, sẽ có hiệu lực chính thức khi hai nước hoàn tất việc trao đổi công hàm ngoại giao và hoàn thành các thủ tục cần thiết.

Nội dung chính của Hiệp định bao gồm các quy định về hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân, cư dân biên giới, phát triển chợ biên giới và hoạt động dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới và thuận lợi hóa thương mại tại cửa khẩu; thống nhất xác định các cửa khẩu biên giới đất liền được mở cho hoạt động thương mại biên giới; trên cơ sở cơ chế đặc thù của hoạt động thương mại biên giới phù hợp với các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà hai nước là thành viên, dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho các loại hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và Lào; thu hút, khuyến khích đầu tư vào các khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, dành ưu đãi 0% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, cũng như miễn các hàng rào kỹ thuật đối với một số mặt hàng do các nhà đầu tư Việt Nam sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào khi nhập khẩu về Việt Nam.

Quy định về thanh toán trong thương mại biên giới, kiểm soát việc mang tiền mặt qua biên giới, cũng như quản lý xuất nhập cảnh đối với người, quản lý phương tiện vận tải, kiểm dịch, kiểm tra hàng hóa trong thương mại biên giới Việt Nam- Lào; cam kết tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, phát triển dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới và thuận lợi hóa thương mại tại cửa khẩu; thành lập Ban Chỉ đạo thương mại biên giới Việt Nam- Lào, khuyến khích thành lập Hiệp hội thương nhân hoạt động thương mại biên giới Việt- Lào...

 

Hai Phó Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết Hiệp định. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Như vậy, Hiệp định sẽ không chỉ tạo cơ sở pháp lý, tạo cơ hội tăng cường hợp tác trong  lĩnh vực thương mại, đầu tư và dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực biên giới mà còn góp phần tích cực vào việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đặc biệt giữa Việt Nam và Lào.

Trong những năm qua quan hệ thương mại giữa hai nước đã thu được những kết quả đáng phấn khởi, cụ thể về lĩnh vực thương mại, năm 2014 kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam và Lào đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm 2013; trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước đạt 686 triệu USD. Tuy nhiên quan hệ thương mại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Lào sẽ đều là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Hiệp định Thương mại biên giới hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai nước, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều, tăng cường hội nhập khu vực ASEAN và Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).

Thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa các tỉnh biên giới hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, xã hội và văn hóa, góp phần xây dựng đường biên giới chung Việt Nam-Lào trở thành đường biên giới của giao lưu, hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội tuyến biên giới Việt Nam – Lào.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho bà Khemmani Pholsena, Bộ trưởng Công Thương Lào (người bên trái trong ảnh) và Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào, Soulivong Daravong (người bên phải trong ảnh). Ảnh: VGP/Lê Sơn

Sau khi có hiệu lực, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương liên quan của hai nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp triển khai thực hiện Hiệp định này.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt trong năm 2015 đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc ký kết Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước hôm nay sẽ tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động giao thương qua cửa khẩu biên giới, đồng thời tạo sự thống nhất để giải quyết một số vấn đề trong hoạt động thương mại biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển KTXH các tỉnh biên mậu và sẽ thúc đẩy, đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD trong năm 2015.

Phó Thủ tướng Somsavad Lengsavath, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Lào- Việt Nam cũng nêu rõ Hiệp định này là sự kiện có ý nghĩa lịch sử vì qua 40 năm nay hai nước mới có Hiệp định thương mại biên giới. Điều này góp phần tăng cường quan hệ thương mại hai nước.

Chính phủ hai nước cũng sẽ giao cho Bộ trưởng Công Thương hai nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Hiệp định, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
 

 

Phó Thủ tướng Somsavad Lengsavath trao Huân chương cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Trong dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lào Somsavad Lengsavath đã trao Huân chương, Huy chương cao quý của hai nước cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển./.

Lê Sơn/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...