Lào Cai góp sức cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã đoàn kết, anh dũng, vừa tăng gia sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

Đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở địa phương

Đêm 4/6/1963, lợi dụng đêm tối và khu vực rừng núi hiểm trở, toán biệt kích Mỹ - Diệm do tên Triệu Trung cầm đầu đã nhảy dù xuống xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng). Các lực lượng của ta được nhân dân cơ sở và các vùng xung quanh giúp đỡ đã truy quét và nhanh chóng bắt gọn cả toán biệt kích, thu toàn bộ vũ khí và trang thiết bị hoạt động của gián điệp. Chiến thắng bắt biệt kích ở Phú Nhuận đã mở đầu cho phong trào nêu cao cảnh giác cách mạng chống Mỹ, cứu nước ở địa phương.

Các cựu chiến binh Lào Cai cùng ôn lại truyền thống năm xưa.

Bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam đã buộc đế quốc Mỹ phải chuyển hướng chiến tranh ở Việt Nam. Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng và trên cơ sở nhận định, đánh giá khả năng hoạt động chiến tranh phá hoại của địch, tình hình thực tế của địa phương, ngày 29/7/1965, Tỉnh ủy Lào Cai ra Chỉ thị số 73 về tiếp tục đối phó và đánh bại âm mưu phá hoại xâm lược của đế quốc Mỹ.  Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai đẩy mạnh phong trào chống Mỹ, cứu nước, vừa sản xuất, vừa chiến đấu với khí thế mạnh mẽ. Giữa năm 1965, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09 về tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ trong tình hình mới. Ngày 10/6/1966, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 98 về xây dựng làng, bản và xã chiến đấu; ngày 16/8/1966 ban hành Chỉ thị số 101 về tăng cường công tác phòng, chống âm mưu mới của đế quốc Mỹ. Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ trong tỉnh được củng cố và tăng cường. Từ năm 1965 đến năm 1968, tỉnh đã xây dựng được 5 đại đội hỗn hợp; 31 trung đội du kích; 90 tiểu đội dân quân cơ động; hình thành 19 tổ, đội trực chiến đánh máy bay địch bằng súng trường, trung liên và đại liên. Công tác xây dựng lực lượng vũ trang được Đảng bộ tỉnh chú trọng. Khi bước vào thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, tỉnh đã xây dựng được các đơn vị: Đại đội pháo cao xạ 37 ly (C102); Đại đội bộ binh (C965); Đại đội dạy văn hóa (C962); xây dựng được 2 tiểu đoàn là Hoàng Liên Sơn I và Hoàng Liên Sơn II chi viện cho chiến trường miền Nam…

Ngày 11/7/1965, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Lào Cai, chúng tập trung ném bom đánh phá đường sắt và những địa điểm dọc đường sắt. Từ năm 1965 đến năm 1968, đế quốc Mỹ đã sử dụng 1.170 lần tốp máy bay với hơn 1.400 lần chiếc xâm phạm không phận Lào Cai và đã đánh phá 18 lần ở 23 điểm (17 điểm đường sắt, 2 điểm đường bộ, 4 mục tiêu khác), làm chết 28 người và bị thương 42 người. Trước tình hình địch tăng cường đánh phá Lào Cai, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ chiến đấu và sẵn sàng đánh trả các đợt tiến công của địch. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ tỉnh Lào Cai ngày đêm trực chiến bám sát trận địa và đã bắn rơi 1 máy bay trinh sát không người lái của Mỹ tại Bát Xát vào ngày 23/3/1966. Bộ đội và dân quân các huyện: Bảo Yên, Văn Bàn đã phối hợp với lực lượng vũ trang Yên Bái bắn rơi một số máy bay Mỹ…

Ngày 24/5/1970, tên phỉ cuối cùng tại xã Lao Chải, huyện Sa Pa ra đầu thú, chấm dứt 20 năm nạn phỉ chống phá gây mất trật tự trị an, khẳng định sự vững vàng của chính quyền cơ sở ở Lào Cai trong bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Để tiếp tục cứu nguy cho quân ngụy ở miền Nam và sự phá sản của chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, từ đầu năm 1972, đế quốc Mỹ tiếp tục huy động ồ ạt không quân và hải quân vào tham chiến ở miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh trở lại đối với miền Bắc. Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc có quy mô lớn chưa từng có. Tại Lào Cai, máy bay Mỹ đã 52 lần xâm phạm không phận tỉnh tập trung trinh sát địa bàn huyện Bảo Thắng và biên giới của ta với Trung Quốc; thả truyền đơn, hàng tâm lý xuống một số xã thuộc khu vực Y Tý, Trịnh Tường (Bát Xát). Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng và nhân dân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, vận dụng kinh nghiệm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất để khẩn trương chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Tháng 12/1972, quân - dân Lào Cai góp sức cùng cả nước giành thắng lợi trong trận “Hà Nội, 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”, giữ vững con đường vận chuyển hàng hóa và phương tiện, vũ khí về xuôi và sang Lào phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

Chi viện cho chiến trường miền Nam

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, qua các đợt sinh hoạt chính trị, học tập và thực hiện “Lời kêu gọi cứu quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Lào Cai đã có 18.749 thanh niên, nam nữ đăng ký tình nguyện lên đường chiến đấu, chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1965 đến năm 1975, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã quyết định thành lập các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương, trong đó thành lập hai tiểu đoàn mang tên Hoàng Liên Sơn I và Hoàng Liên Sơn II, gồm con em các dân tộc Lào Cai. Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I được thành lập ngày 30/7/1967 gồm 150 chiến sỹ; 100% là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước của các cơ quan cấp tỉnh như Bưu điện tỉnh, Mỏ Apatít, Ty Lương thực, Ty Lâm nghiệp, Ty Thương nghiệp, Đoàn Địa chất 5, Đoàn Địa chất 24, Nhà máy điện, được biên chế thành hai đại đội là C9 và C10. Sau hơn 6 tháng luyện tập tại Đồng Hỷ (Bắc Thái), ngày 12/2/1968, đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu, mang phiên hiệu PR27.

Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II có 497 chiến sỹ là con em các dân tộc của các huyện: Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng và thị xã Lào Cai nhập ngũ ngày 15/7/1968, biên chế thành 4 đại đội, luyện tập tại thị xã Lào Cai. Sau hơn 6 tháng huấn luyện, ngày 6/2/1969 (tức ngày 27 Tết Kỷ Dậu), Tiểu đoàn lên đường theo tiếng gọi của tiền tuyến vào Nam chiến đấu, mang phiên hiệu 21.15-P2X9.

Đầu tháng 6/1968, Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I đã đến được chiến trường B4, B5 (nay là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng). Giữa tháng 7/1969, Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II đã đến được chiến trường B2 (là các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ ngày nay).

Vào đến chiến trường, Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I được bổ sung cho các đơn vị pháo binh, chiến đấu dọc theo tuyến Đường 9 Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu và nước bạn Lào. Thời gian sau được bổ sung cho Quân đoàn 1 đánh chiếm Sài Gòn trở thành “Quả đấm thép” của Binh chủng Pháo binh. Do yêu cầu của Bộ Tư lệnh miền, một số chiến sỹ của Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II được bổ sung cho Đoàn 50 (Cục Hậu cần miền Đông Nam Bộ); một số biên chế vào các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh miền tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ và nước bạn Campuchia. Trong quá trình tham gia chiến đấu, 100% chiến sỹ Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I và 60% chiến sỹ Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã đoàn kết, anh dũng, kiên cường vừa tăng gia sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai”.

Theo Đức Lân/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).