Tà Chải “cất cánh” nhờ sức dân

Bằng sự quyết tâm, đoàn kết, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Tà Chải đã vững bước đi lên, xây dựng nông thôn mới thành công. Đây là xã đầu tiên của huyện Bắc Hà hoàn thành 19/19 tiêu chí (Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới) trong năm 2014, sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Đến Tà Chải hôm nay, hẳn nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một xã thuần nông, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường giao thông liên thôn được đổ bê tông xi-măng đi lại êm thuận; cơ sở trường học, nhà văn hoá được xây dựng kiên cố, khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao… có được kết quả trên là nhờ sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ xã trong huy động sức dân cùng chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới.

Người dân Tà Chải tham gia đổ bê tông xi-măng đường giao thông nông thôn.

Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường bê tông xi-măng của xã, hai bên đường là những vườn rau trồng dưới tán mận xanh mơn mởn đang vào kỳ thu hoạch, đồng chí Sèn Thị Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Tà Chải chia sẻ: Nâng cao thu nhập và đời sống, tinh thần cho người dân là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển. Chính vì vậy, ngay sau khi huyện triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, thu nhập, giao thông, môi trường…

Để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nhất là giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, xã Tà Chải đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi; tăng cường phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, tư vấn, hỗ trợ để giúp các hộ dân có thêm kiến thức. Đồng thời, quan tâm và tạo điều kiện cho các hộ được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ vận tải, xây dựng, du lịch và dịch vụ ăn uống…từ đó đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống của nhân dân.

Điển hình như thôn Nậm Châu có trên 60 hộ dân, là thôn thuần nông, nên đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, mấy năm gần đây, quỹ đất sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp do phải dành đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, trong khi đó, dân số ngày càng tăng, sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu lương thực. Từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, chi bộ thôn đã lãnh đạo nhân dân đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và lao động theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ. Hiện, thôn có tới 50% số hộ làm dịch vụ thương mại, buôn bán nhỏ, nghề thợ nề… có thu nhập khá ổn định. Còn thôn Na Kim có hơn 70 hộ, trước đây chỉ trông chờ vào diện tích lúa 1 vụ và chăn nuôi gia súc theo tập quán cũ, nên thường gặp rủi ro về dịch bệnh. Nhờ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhân dân làm đất gieo cấy 2 vụ lúa, 1 vụ rau màu. Đất đồi, đất dốc bà con trồng cây dược liệu, thu hẹp diện tích trồng mận bằng việc thâm canh cải tạo vườn tạp, chỉ giữ lại những cây giống tốt cho năng suất cao. Đi đầu trong phong trào trên ở thôn Na Kim là đảng viên Vàng Văn Thỉ. Ông đã vận động vợ con mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp trồng mận, mơ lâu năm sang trồng giống đào Pháp. Với khoảng 120 cây đào Pháp trồng thay thế diện tích mận Tam hoa đã thoái hoá, những năm gần đây, gia đình ông Thỉ có nguồn thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng tiền bán đào quả. Với số cây đào Pháp và các loại cây ngắn ngày khác xen canh cùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình ông đã có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Với việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, trong sản xuất nông nghiệp, nông dân xã Tà Chải đã thực hiện 3 vụ/năm/đơn vị diện tích đất canh tác, trồng xen canh, gối vụ giữa các loại cây lương thực với các loại cây hoa màu, không để đất bỏ hoang, nhàn rỗi; bên cạnh đó đẩy mạnh cải tạo và phát triển diện tích cây ăn quả, như mận Tam hoa, đào Pháp, lê VH6… Nét nổi bật ở Tà Chải là đã nâng cao được ý thức tự giác của nông dân trong đầu tư phát triển sản xuất của gia đình, nên không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Hiện, xã Tà Chải, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,36%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,22 triệu đồng/năm, tăng 8,2 triệu đồng so với năm 2011. Nhờ đó, người dân có điều kiện thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Tà Chải Sèn Thị Xuân cho biết: Để xây dựng thành công nông thôn mới, thì phải dựa vào dân, phải làm sao để dân biết hiệu quả, mục tiêu của chương trình. Chính vì vậy, các nội dung trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được xã Tà Chải triển khai thực hiện với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và mọi vướng mắc khi triển khai thực hiện đều được lãnh đạo xã kịp thời tháo gỡ ngay từ cơ sở. Từ đó, người dân hăng hái, tích cực hơn, trách nhiệm hơn trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong 3 năm (2012 - 2014), nhân dân xã Tà Chải đã đóng góp 1.000 m2 đất, hàng nghìn ngày công làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hoá, trường học. Đến nay, gần 100% đường giao thông nông thôn được đổ bê tông xi-măng; tất cả các thôn đều có nhà văn hóa khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đối với việc đảm bảo vệ sinh môi trường theo tiêu chí chung là rất khó khăn, nhưng đến nay, 675 hộ dân đã có nhà tiêu hợp quy cách, đảm bảo vệ sinh; 100% hộ chăn nuôi làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà.

Nhờ triển khai sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, nhiều công trình phúc lợi của xã được đầu tư xây dựng khang trang; kinh tế tăng trưởng cao; văn hóa - xã hội được duy trì và phát triển; trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững…

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Cảnh giác với lừa đảo kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Ngày 16/9, Sở Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 1256 /STTTT-TTBCXB về cảnh giác với lừa đảo trên mạng xã hội kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Phát sóng di động tại 100% xã trên địa bàn toàn tỉnh

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, các khu vực trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng thiệt hại cả về người, tài sản, công trình công cộng, trong đó có công trình hạ tầng viễn thông (cột, nhà trạm, tuyến truyền dẫn) trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Miễn thu phí đường bộ đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa cứu trợ thiệt hại do bão Yagi

Theo đề nghị của Cục đường bộ Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 3 khi đi qua các trạm thu phí đối với 4 dự án đường cao tốc đang khai thác...

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong khảo sát khu tái định cư cho các hộ dân thôn Kho Vàng

Chiều 15/9, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đi khảo sát thực địa vị trí, phương án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) và nơi tạm lánh trên núi của 17 hộ dân với 115...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra

Chiều 12/9, sau khi thị sát hiện trường sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cấp ngay 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai để khắc phục hậu quả mưa lũ

Như Báo Lào Cai đã đưa tin, chiều 12/9, sau khi thị sát hiện trường sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra.