Từ DOC tiến tới COC

Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại Phnom Penh, Campuchia mới đây, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua một tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

 

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại Phnom Penh, Campuchia. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC của các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc khẳng định rằng DOC, được ký năm 2002 tại Phnom Penh, là một văn kiện quan trọng, thể hiện cam kết chung của các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc về thúc đẩy hòa bình, ổn định và tin cậy lẫn nhau ở Biển Đông. Tiếp theo, việc thông qua Tài liệu Hướng dẫn thực hiện DOC vào tháng 7/2011 đã ghi nhận tiến triển trong việc triển khai các dự án hợp tác chung được thỏa thuận trong khuôn khổ DOC, qua đó góp phần củng cố lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác ở Biển Đông.

Tuyên bố chung nêu rõ các nước ASEAN và Trung Quốc nhất trí tiếp tục tuân thủ tinh thần và các nguyên tắc của DOC nhằm góp phần thúc đẩy hòa bình, hữu nghị, lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc. Việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC sẽ góp phần tăng cường quan hệ và đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Đông Á. Theo đó, ASEAN và Trung Quốc nhắc lại mong muốn tăng cường điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình và lâu dài đối với các khác biệt và tranh chấp giữa các nước liên quan.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm DOC, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tái khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc của DOC bằng việc quyết tâm tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC; thực hiện các dự án và hoạt động hợp tác chung đã thỏa thuận trên cơ sở phù hợp với Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao lần thứ 21 của ASEAN, Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các nỗ lực chung vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Ðông; đồng thời đề nghị các nước ủng hộ ASEAN - Trung Quốc thực hiện đầy đủ DOC và Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC, hướng tới COC; ủng hộ ASEAN thực hiện Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về Biển Ðông nhằm bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, bao gồm việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, vì hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và thịnh vượng ở khu vực.

Các bên quyết tâm tiếp tục hợp tác tăng cường an ninh biển, trong đó bao gồm bảo đảm tự do thương mại, an toàn hàng hải và giao thông trên biển, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; tiếp tục khuyến khích các bên liên quan giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

 

Tất cả các bên liên quan tiếp tục kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, trong đó bao gồm không có các hành động cử người đóng tại những nơi hiện chưa có người như đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi san hô và các cấu trúc khác, và giải quyết các khác biệt một cách xây dựng.

Các bên liên quan giữ đà đối thoại và tham vấn nhằm tăng cường sự tin cậy, lòng tin và hợp tác, và cùng hợp tác tiến tới hoàn thành bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.

Đánh giá về tác dụng của DOC trong 10 năm qua, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng DOC đã giúp ngăn chặn các tranh chấp tại Biển Đông không đi tới đối đầu, dù có lúc căng thắng. Nhiều nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN cũng cho rằng, mặc dù không mang tính ràng buộc nhưng DOC đã giúp duy trì hiện trạng tại Biển Đông.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo cũng cho rằng, phát huy hiệu quả của DOC, các nước ASEAN và Trung Quốc cần tiến tới bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) đề có thể giải quyết tốt hơn các tranh chấp trong khu vực.

Biên bản Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trước Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS); thực hiện hiệu quả Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, Tuyên bố DOC và sớm xây dựng COC.

 

 

Mười năm trước tại Campuchia, khi nước này là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước ASEAN và Trung Quốc, một đối tác quan trong của ASEAN đã ký DOC nhằm thống nhất cách ứng xử khi gặp các sự cố tại Biển Đông, vùng biển rộng 3 triệu km2 và có nhiều nguồn tài nguyên phong phú như hải sản, dầu khí... và cũng là nơi có các tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới, là tuyến cung cấp năng lượng chính từ “vựa dầu” Trung Đông cho các nền kinh tế khổng lồ đang khát năng lượng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.... Khi ký kết DOC, các bên tham gia hy vọng có thể biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, an ninh và hợp tác.

 

(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng hòa bình toàn thế giới

Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, lãnh đạo các Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản trên thế giới, các Đảng đối tác, các tổ chức quốc tế đã gửi các điện/thư chia buồn đến Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Bảo vệ giới trẻ trước tác hại của thuốc lá

Thế giới có khoảng 37 triệu trẻ em, từ 13 đến 15 tuổi, hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các chính phủ nhanh chóng hành động để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử

Với việc nhiệt độ trung bình thế giới tháng 6 vừa qua đã phá kỷ lục cao nhất mọi thời đại, các nhà khí tượng học cho rằng, năm 2024 sẽ có thể trở thành năm nóng nhất lịch sử thế giới.

Thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine

Tăng cường khả năng châu Phi tự sản xuất vaccine là chủ đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn toàn cầu về chủ quyền vaccine và đổi mới, vừa diễn ra ở Paris (Pháp). Để bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine, ngoài việc các nước giàu chia sẻ vaccine, các hãng dược thực hiện đầy đủ cam kết phân...

Cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn

Gần 120 triệu người trên thế giới phải rời bỏ mái ấm để trốn chạy khỏi các cuộc xung đột, bạo lực... Con số nhức nhối này là hồi chuông cảnh báo và cũng thúc giục cộng đồng quốc tế dang rộng vòng tay đón nhận và hỗ trợ người tị nạn, để tránh những thảm kịch tồi tệ.

Xu hướng tích cực trên thị trường năng lượng

Báo cáo Đầu tư Năng lượng thế giới hằng năm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi mức dành cho nhiên liệu hóa thạch. Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển...