Ý tưởng du lịch "made in nông dân"

Từ một vùng đất gần như “vô danh” ít người biết đến đã trở nên “hữu thực”, thậm chí là “hot” khi gõ từ khóa tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm Google; hay từ ngôi nhà của hai vợ chồng người dân tộc Tày đã trở thành điểm dừng chân hút khách được nhiều kênh truyền hình trong nước giới thiệu. Đó đều là ý tưởng làm du lịch từ chính những nông dân vùng cao chân lấm tay bùn. Họ góp phần không nhỏ cho con số gần 1,5 triệu lượt khách du lịch đến với Lào Cai trong năm 2014.

Vùng đất “hữu thực”

Năm vừa qua, người nông dân xã Lử Thẩn (Si Ma Cai) đã làm nên kỳ tích khi mở ra hướng phát triển du lịch cho vùng đất chỉ vốn được biết đến với sự cằn cỗi, khó khăn. Không những thế, sản phẩm du lịch của họ còn góp phần tăng thu nhập cho nhiều dịch vụ kéo theo. Câu chuyện về Lử Thẩn có lẽ vẫn chưa hề nguội, không chỉ người Lào Cai mà nhiều nơi khác cũng muốn một lần được ngắm hoa tam giác mạch ở nơi chỉ có đá tai mèo. Lử Thẩn tập trung tới 98% người Mông sinh sống, quanh năm người dân chỉ biết bám đá trồng ngô, cấy lúa mà thoát nghèo vẫn là điều gì đó xa xôi, bởi ở đây có tới 4 tháng thiếu nước. Không chịu khuất phục thiên nhiên, người dân Lử Thẩn lại tìm ra những cây trồng chịu hạn đem lại nguồn thu nhập cao mỗi năm. Trong đó, cây trồng đã từng gắn bó bao đời nay với người Lử Thẩn, chính là cây chỉ hay còn gọi là cây xèo, còn dân phượt thì gọi đó là tam giác mạch.

Mùa hoa tam giác mạch ở Lử Thẩn luôn thu hút khách du lịch.

Lử Thẩn bỗng nhiên nổi tiếng khi được Phó Chủ tịch UBND xã Lương Văn Trường thuộc danh sách Chương trình đưa 600 trí thức trẻ tăng cường cho địa phương sử dụng hình thức truyền thông qua mạng xã hội và báo chí để quảng bá. Chàng trai sinh năm 1989 này vẫn chưa hết ngạc nhiên khi nhớ lại khoảng thời gian tháng 10/2014: “Mình không ngờ, bức ảnh nhòe mờ chụp bằng chiếc điện thoại cũ lại trở nên nổi tiếng với nhiều lượt chia sẻ đến thế. Cũng từ bức ảnh này, một số bạn săn ảnh, phóng viên đã đến Lử Thẩn”. Chính anh Trường là người đã vận động bà con trồng tam giác mạch tập trung thành cánh đồng rộng đến 3 ha, tạo nên cảnh quan đẹp phục vụ du lịch. Anh Trường từng nghĩ loài hoa này có thể nổi tiếng ở một vùng đất đá khác thì cũng có thể phát triển du lịch cho mảnh đất Lử Thẩn, nơi anh luôn đau đáu nghĩ kế thoát nghèo cho bà con. Suy nghĩ này đã trở thành hiện thực khi bức ảnh của anh thực sự có sức hút đối với những du khách yêu thiên nhiên.

Lử Thẩn mùa tam giác mạch bừng sáng như một bức tranh tươi đẹp, có nắng, gió và những cánh hoa mong manh trên triền núi rộng lớn. Người ta truyền tai nhau về Lử Thẩn gần gũi mà đẹp tươi. Từng đoàn xe đến với Lử Thẩn. Họ sẵn sàng chi tiền để được thỏa mình giữa vườn hoa với giá vé 20.000 đồng/người. Với du khách, số tiền du lịch này không thấm vào đâu, nhưng với đồng bào, đó thực sự là rất quý. Anh Giàng Seo Chùa, một trong số ba hộ trồng tam giác mạch tươi cười khoe số tiền thu được chỉ trong vòng 20 ngày. Giàng Seo Chùa bảo “mình mua được 1 con trâu và để ra được 17 triệu đồng ăn tết”. Còn các gia đình khác, ít nhất họ cũng thu được 30 triệu đồng. Lử Thẩn mùa tam giác mạch, dịch vụ xe ôm, trông giữ xe, bán bánh xèo cũng phát triển. Cả mùa tam giác mạch, Lử Thẩn thu hút 4.000 lượt khách du lịch đến tham quan.

Dù cách làm du lịch của nông dân vùng cao quanh năm quen với ruộng lúa, nương ngô còn lúng túng, nhưng rõ ràng sản phẩm du lịch của họ tạo ra sức hút với du khách, doanh thu từ du lịch rất lớn so với sản xuất nông nghiệp trước đó. Hướng phát triển kinh tế mới được mở ra, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Văn Trường lại ấp ủ ý tưởng quy hoạch Lử Thẩn đầy khác biệt và quyến rũ. Điều này anh không thể tiết lộ mà chờ kết quả cụ thể đã.

Ngôi nhà… Tây cũng “mê”

Marta Maruska, nữ du khách đến từ Thụy Điển quyết định chọn ngôi nhà của vợ chồng người Tày, anh Vàng A Văn, thôn Na Lo, xã Tà Chải (Bắc Hà) để nghỉ ngơi trong 2 ngày ở cao nguyên trắng. Nữ du khách được hướng dẫn viên giới thiệu địa chỉ nghỉ qua đêm, dù lúc đầu không mấy ấn tượng nhưng đến nơi rồi, Marta mới thực sự thích thú. Ngôi nhà được bài trí đơn giản, nhưng rất ngăn nắp, đặc biệt, du khách như Marta có thể dùng bữa cùng chủ nhà để trải nghiệm các món ẩm thực của người dân địa phương. Marta ngồi trên chiếc ghế tựa trước sân nhà, trong khi lũ trẻ mời cô ăn những quả hồng chín mọng, “một cảm giác thư thái, đó là điều tôi cần tìm trong chuyến du lịch lần này” - Marta chia sẻ.

Chủ nhà là những người nông dân thực thụ, họ bận bịu với công việc đồng áng mà cuộc sống vẫn không mấy cải thiện. Một lần, gia đình anh Văn đón một đoàn khảo sát địa chất xin ở nhờ, với nếp sống ngăn nắp của gia đình, đoàn khảo sát này đã gợi ý gia chủ mở homestay đón khách du lịch. Anh Văn thấy đó là ý rất hay, anh chỉ cần sắp xếp một chút lại các vật dụng trong gia đình, sửa lại công trình vệ sinh, trồng thêm vài chậu hoa trước hiên là đủ hấp dẫn với ngôi nhà nhìn ra vườn mận Tam hoa. Ngôi nhà của anh Vàng A Văn trở thành địa chỉ lưu trú của du khách mỗi khi đến Bắc Hà, đặc biệt là du khách nước ngoài. Anh Văn thậm chí trở thành hướng dẫn viên đưa du khách thăm các bản làng ở Tà Chải bằng con đường chỉ người dân bản địa mới biết. Ngôi nhà của anh Văn được truyền trên facebook, thu hút nhiều lượt chia sẻ và các kênh truyền hình trong nước đã thực hiện phóng sự về ngôi nhà ấy như địa chỉ cần phải dừng chân mỗi khi đến Bắc Hà. Anh Văn bảo, lúc đầu vợ chồng không nghĩ sẽ đón được nhiều lượt khách đến nghỉ ngơi như thế, nhưng nhờ cải tạo lại ngôi nhà và tài nội trợ khéo léo của vợ anh, nên du khách cứ thế kéo đến.

Câu chuyện về Lử Thẩn (Si Ma Cai) hay Na Lo (Tà Chải, Bắc Hà) chỉ là hai trong số ít chuyện làm du lịch của nông dân vùng cao, nhưng cũng đủ cho thấy hiệu quả từ ý tưởng “made in nông dân”. Không cần đầu tư nhiều, giữ gìn được cảnh sắc vốn có cũng đủ tạo nên sức hút với du khách, nhưng quan trọng là phải có sự quảng bá từ các phương tiện truyền thông. Bản sắc văn hóa vùng cao Lào Cai tự nó đã tạo nên sự quyến rũ với những ai thích trải nghiệm và khám phá./.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...