Tết của những người mặc áo blu

Tết là thời gian gia đình được sum vầy, đoàn viên, tuy nhiên, vẫn có những bác sỹ hy sinh khoảng thời gian quý giá ấy để góp phần đem lại cái tết đầm ấm, vui tươi cho bệnh nhân.

Vất vả hơn ngày thường

Ngày bé, tôi từng có mơ ước sẽ trở thành bác sỹ chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Nhưng sau này, khi nghe những chia sẻ của các y, bác sỹ, tôi mới thấu hiểu và cảm thấy mình không đủ “can đảm” để theo ngành y. Với tôi, việc thường xuyên phải đi trực tại bệnh viện là sự vất vả lớn mà mỗi y, bác sỹ phải sẵn sàng thực hiện để mang lại bình an cho mọi người. Tôi có anh bạn làm việc trong ngành y, vợ là bác sỹ phụ sản. Hai vợ chồng thường ngày đã như “mặt trăng, mặt trời”, tết đến thì mỗi người ăn tết một nơi. Anh kể: Một năm đinh ninh được đón giao thừa cùng gia đình, thì đột xuất có cuộc điện thoại báo, vợ anh phải vào bệnh viện gấp để đỡ một ca sinh khó. Con gà vừa làm sạch chưa kịp luộc, thì vợ tôi phải bỏ đó để đi. Vợ trở về nhà lúc 1h, khi ba bố con đã ngủ ngon giấc.

Vì thế, 13 năm trong nghề là 13 năm anh phải đón xuân cùng bệnh nhân trong bệnh viện. Nhưng khi hỏi anh có hối hận khi lựa chọn khoác trên mình chiếc áo blu không thì anh chỉ cười và bảo: Cũng may tôi có vợ cùng ngành, nên hiểu và thông cảm cho nhau. Mặc dù, không được đón tết cùng gia đình, nhưng tôi luôn nhận được sự động viên của người thân, nhất là của vợ. Chỉ cần cuộc điện thoại cũng đủ khích lệ tinh thần, khiến tôi càng quyết tâm và phấn đấu nhiều hơn.

Nhiều bác sỹ vẫn tìm thấy niềm vui trong thời khắc giao thừa khi cứu chữa thành công cho bệnh nhân.

Những ngày tết, bệnh nhân điều trị giảm, nhưng thay vào đó là những ca cấp cứu lại tăng. Khoa Cấp cứu được coi là khoa “cửa ngõ” tại bệnh viện, vì đây là nơi tiếp nhận hầu hết các trường hợp nhập viện khẩn cấp. Ngày thường, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phải tiếp nhận hàng chục lượt bệnh nhân thì ngày tết còn cao hơn nhiều. Bác sỹ Bùi Quang Huy, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có thâm niên 13 năm trong nghề tâm sự: Với các y, bác sỹ, trực nói chung và trực tết nói riêng đã trở thành công việc “đương nhiên”. Giống như các bác sĩ cấp cứu khác, năm nào tôi cũng trực vào dịp tết. Có những ca cấp cứu, xong việc ngẩng lên nhìn đồng hồ thì đã qua thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Tết năm 2014 vừa qua, riêng trong ngày Mùng 5 tết, Khoa Cấp cứu phải đón tới 85 bệnh nhân, trong số đó, khoảng 60% là bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia. Xe điện của Bệnh viện không thể đủ để chuyên chở, nên các y, bác sỹ phải dùng cáng để di chuyển bệnh nhân. Những lúc đó, nếu không có sức khỏe và tâm huyết có lẽ không thể làm được. Ngoài áp lực về chuyên môn, các bác sỹ còn chịu áp lực từ phía gia đình, người thân của bệnh nhân.

Bác sỹ Huy nhớ lại: Tết năm đó, chúng tôi đón một bệnh nhân bị tai nạn giao thông do taxi đưa đến. Không có ai nhận là người thân, nên sau khi sơ cứu và khám lâm sàng, chúng tôi đợi người nhà bệnh nhân đến để làm thủ tục nhập viện. Sau đó, có rất đông người ồ ạt kéo đến, người gào khóc, người chửi bới, có người còn lao vào đánh cả bác sỹ. Mặc dù bị thương nhẹ nhưng tôi vẫn cố gắng bình tĩnh giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu tình hình. Đó là lần trực tết tôi không bao giờ quên.

Quả thực, bất cứ ai khi lựa chọn nghề thầy thuốc, đã chấp nhận sự hy sinh, hiếm có năm được cùng gia đình đón tết trọn vẹn.

Vẫn còn có những niềm vui

Gian khổ là vậy nhưng khi được hỏi thì ai nấy đều chung một câu trả lời: Khi chọn nghề y, nghĩa là đã xác định tâm lý từ trước rồi. Tuy không được vui bên gia đình, người thân nhưng bù lại là có niềm vui vì được giúp đỡ bệnh nhân trong thời khắc thiêng liêng của năm cũ và năm mới. Có lẽ đó cũng là niềm vui đặc biệt mà ít người có được.

Cực nhọc, nhưng nhiều niềm vui nhất trong những ngày tết có lẽ là Khoa Sản, bởi bên cạnh sự tất bật trong công việc chuyên môn, niềm vui chào đón sinh linh nhỏ bé ra đời ngay trong thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ cũng “lây” sang đội ngũ y, bác sỹ và nữ hộ sinh.

Bác sỹ Long Thị Tin, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chia sẻ: So với các khoa khác trong bệnh viện, Khoa Sản vất vả, nhưng luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười. Tôi còn nhớ có năm bệnh viện tiếp nhận sản phụ từ tuyến dưới chuyển lên sát thời khắc giao thừa. Sau hơn 2 giờ tận tình cùng sản phụ, cuối cùng các y, bác sỹ và gia đình đón “mẹ tròn, con vuông”. Sau đó, cả gia đình bệnh nhân và đội ngũ y, bác sỹ trực hôm đó cùng nhau đón giao thừa trong bệnh viện vào thời điểm 2h sáng. Những năm “được mùa” sinh con như năm dần, năm thìn, lượng phụ sản tăng đột biến, nên các bác sỹ luôn chân, luôn tay. Mệt là vậy nhưng mỗi khi nghe tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ thì mọi mệt nhọc và cả nỗi chạnh lòng vì không được cùng gia đình đón giao thừa dường như tan biến.

Chị Nguyễn Thị Hiếu, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã làm công việc nữ hộ sinh tại bệnh viện được 29 năm tâm sự: Bình thường, việc chào đón một em bé ra đời đã là sự kiện lớn và thiêng liêng của mỗi gia đình. Tuy nhiên, sự kiện ấy càng ý nghĩa hơn khi trùng vào thời khắc trời đất chuyển từ năm cũ qua năm mới. Chính vì vậy, mặc dù tâm lý ai cũng muốn ở nhà đoàn tụ với gia đình mỗi dịp tết đến, xuân về nhưng với những nữ hộ sinh như chị, phút giao thừa thiêng liêng là ở bệnh viện, được chào đón một sinh linh bé nhỏ chào đời.

Dù làm công việc nào, ở bất cứ nơi đâu thì bất cứ ai trong chúng ta đều mong muốn được cùng người thân yêu đón một cái tết đoàn viên, ấm áp. Chính vì thế, chúng ta càng trân trọng và cảm thông hơn cho những vất vả của những người mặc áo blu. Họ đã tạm gác hạnh phúc cá nhân, đem lại bình an cho mọi người và góp cho mùa xuân thêm vui./.


 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).