Hai đột phá để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

“Việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp có ý nghĩa quan trọng và cần phải thực hiện sớm, nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Muốn vậy, hai vấn đề cần tập trung giải quyết, đó là nâng cao chất lượng, giá trị rừng và giá trị gia tăng sản phẩm, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tô Mạnh Tiến khẳng định.

Nâng cao chất lượng và giá trị rừng

 “Mặc dù, tỷ lệ tán che phủ rừng trên địa bàn tăng qua từng năm, nhưng chất lượng rừng vẫn còn thấp”, đồng chí Tô Mạnh Tiến cho biết. So với một số tỉnh như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh... thì chất lượng rừng của Lào Cai chỉ ở mức trung bình thấp. Trong khi năng suất rừng của các tỉnh nói trên đạt từ 15 - 17 m3/ha thì Lào Cai đạt từ 12 - 15 m3/ha. Sở dĩ, năng suất rừng của Lào Cai thấp là do các địa phương trong tỉnh chủ yếu tập trung trồng các loài cây bản địa, như mỡ, bồ đề, sa mộc, thông mã vĩ. Công tác quản lý giống cây lâm nghiệp chưa chặt chẽ; kỹ thuật trồng, thâm canh chưa đúng quy trình... cũng là nguyên nhân dẫn đến năng suất rừng trồng không cao.

Sản xuất ván bóc tại Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Xuân Giao (Bảo Thắng).

Cũng theo đồng chí Tô Mạnh Tiến, muốn tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thì việc nâng cao chất lượng, giá trị rừng là một trong hai giải pháp mang tính đột phá. Thực tế, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng rừng. Chuyển biến rõ nét nhất chính là cây giống được đóng bầu có đáy, trước đây đóng bầu không đáy, rễ cây ăn sâu vào đất, khi xuất vườn thường bị đứt rễ, ảnh hưởng đến chất lượng cây giống; xây dựng vườn giống tại những địa điểm thuận lợi, hạn chế vận chuyển cây giống đi xa. Công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp được thực hiện theo chuỗi hành trình quản lý giống, cây giống phải đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, chất lượng, được Chi cục Lâm nghiệp cấp chứng chỉ công nhận nguồn gốc lô cây giống. Thời vụ trồng rừng đã có sự thay đổi, tập trung hai vụ chính là xuân hè và hè thu, hạn chế trồng vụ thu đông. Đối với các huyện vùng thấp, thời vụ trồng rừng kết thúc trước 30/9 sẽ đảm bảo sự sinh trưởng của cây, không bị chết rét. Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng rừng keo gỗ xẻ tại Bát Xát, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai; xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh tại Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai; trồng rừng nguyên liệu cao sản tại Bảo Thắng, Văn Bàn. Đồng chí Nguyễn Duy Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn cho biết: Hiện, công ty được nhà nước giao quản lý 15.000 ha rừng, trong đó 70% diện tích rừng giàu và 30% diện tích rừng trung bình. Đối với diện tích rừng sản xuất, trước năm 2013, công ty đã đầu tư trồng, nhưng diện tích không nhiều. Từ năm 2013 trở lại đây, công ty đã quan tâm nhiều đến việc trồng và nâng cao chất lượng rừng trồng. Đó là việc làm tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi đã qua thời dựa vào rừng tự nhiên để tận thu lâm sản. Ngoài các cây trồng bản địa, thời gian gần đây, công ty đã tuyển chọn, đưa giống keo Úc (f2), cây luồng Thanh Hóa vào trồng, đồng thời phối hợp với người dân tăng cường phân bón cho cây giống, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế rừng. 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, năng suất rừng trồng đạt 15m3/ha/năm, tăng trên 3 m3/ha/năm so với năm 2010. Từ năm 2011 - 2014, các địa phương trong tỉnh đã trồng mới 20.006 ha rừng sản xuất, làm giàu 2.000 ha rừng, trồng lại rừng sau khai thác được 3.805 ha, cải tạo 1.000 ha rừng; trồng mới 2.793 ha rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh 4.350 ha rừng, làm giàu 3.000 ha rừng phòng hộ; khoanh nuôi tái sinh 1.350 ha rừng đặc dụng.

Từ năm 2015 - 2020, việc nâng cao chất lượng và giá trị rừng tiếp tục được tỉnh quan tâm và chỉ đạo sát sao. Trong đó, đối với rừng tự nhiên, tập trung bảo vệ tốt diện tích hiện có, phát huy giá trị đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen, thực hiện khoanh nuôi phục hồi 5.900 ha rừng; làm giàu rừng, cải tạo 3.000 ha rừng tự nhiên sản xuất nghèo kiệt; nâng cao trữ lượng gỗ rừng tự nhiên sản xuất lên 20% - 25% so với hiện nay, tăng trưởng bình quân từ 4 - 5 m3/ha; tỷ lệ gỗ thương phẩm bằng 75% trữ lượng cây đứng. Đối với rừng sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí loài cây phát triển nhanh, phù hợp từng vùng, cho sinh khối lớn. Đối với các huyện vùng cao sẽ trồng các loài cây đặc sản, cây cho sản phẩm phụ, như sơn tra, trẩu, quế, hồi, thông...; các huyện vùng thấp, ngoài trồng mỡ, quế, keo, chú trọng trồng những loài cây bản địa cho sinh khối lớn, như xoan, lát hoa, bồ đề. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích rừng trồng sản xuất đạt 90.000 ha, diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ đạt 20.000 ha và 7.790 ha cây có giống.

Gia tăng sản phẩm, chế biễn gỗ và lâm sản ngoài gỗ

Trong những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên chỉ “quanh quẩn” với những sản phẩm sơ chế, như đũa gỗ, ván bóc, sản lượng đạt 5.000 - 7.000 m3/năm, doanh thu từ 5 - 7 tỷ đồng, con số khiêm tốn so với nguồn nguyên liệu dồi dào mà công ty đang quản lý. Gia tăng sản phẩm, nâng cao giá trị từ chế biến lâm sản là vấn đề đặt ra, đòi hỏi công ty tìm lời giải để có thể phát triển bền vững. Việc liên kết với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất ván MDF là lời giải thuyết phục của công ty cho bài toán nâng cao giá trị chế biến lâm sản. Nhà máy sản xuất MDF Bảo Yên có công suất 180.000 m3/năm, gồm các sản phẩm: Gỗ MDF 60.000 m3/năm, gỗ ván thanh 20.000 m3/năm, ván tre ép khối 100.000 m3/năm. Trong năm 2015, giai đoạn đầu nhà máy tập trung sản xuất sản phẩm ván tre ép khối xuất khẩu với công suất 30.000 m3 sản phẩm/năm. Đồng chí Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên cho biết: Việc đưa dây chuyền sản xuất ván tre ép khối công suất 30.000 m3 sản phẩm/năm vào hoạt động sẽ đem lại doanh thu 300 tỷ đồng, góp nâng nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất và giá trị lâm sản.

Cũng trong năm 2015, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên đầu tư 5 tỷ đồng để lắp đặt dây chuyền sản xuất gỗ ván ép (giai đoạn 1) công suất 4.000 m3 sản phẩm/năm để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Trung Đông./.

 
Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).