Đến Dìn Chin ngắm hoa cải vàng
Tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những ruộng hoa cải vàng rực khi đến Dìn Chin (Mường Khương) công tác vào một ngày cuối năm.Hoa cải làm cho bức tranh vùng cao đầy sức sống. |
Vượt những con dốc dài quanh co triền núi, tôi đã đặt chân đến Dìn Chin, một trong những xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Mường Khương. Ở đây đá nhiều hơn đất, mùa khô thường xuyên thiếu nước, nên còn được gọi là “vùng đất khát”. Từ lâu, cuộc sống của đồng bào Mông và một số dân tộc khác nơi đây vẫn trông vào cây ngô, cây lúa. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, nên ngô, lúa chỉ trồng được một vụ trong năm. Để có rau xanh cho bữa ăn hằng ngày, người dân phải tận dụng những mảnh đất hẹp chen với đá để trồng các loại: Bắp cải, su hào, cải củ… Điều kỳ lạ là trên mảnh đất khô hạn như vậy, bằng bàn tay lao động cần cù, con người vẫn làm cho những vườn cải mọc lên xanh tốt. Chỉ sau khoảng 1 tháng, những nương cải đã xanh mướt sườn đồi, thung lũng, người dân chỉ việc lên nương nhổ cải hoặc hái lá về ăn. Độ cuối năm, những vườn cải cao ngang thân người đồng loạt ra ngồng, trổ hoa rực rỡ. Một cây cải ra hoa thì không có gì đáng chú ý, nhưng cả một thung lũng hoa cải vàng thì tạo thành bức tranh vừa nên thơ, vừa đẹp mắt.
Vui đùa bên vườn hoa cải vàng. |
Đến Dìn Chin dịp cuối năm hay đầu mùa xuân, không khó để thấy hoa cải khoe sắc vàng trên sườn đồi, trổ hoa trong thung lũng đá, nở rộ bên những ngôi nhà trình tường đẹp đến mê hồn. Màu cải vàng miên man gọi ong bướm về dập dìu bay lượn, gọi mùa xuân tới, xua đi giá rét, làm đất trời như ấm áp hơn. Giữa vườn cải vàng, thấp thoáng dáng những thiếu nữ Mông xập xòe váy hoa đi hái rau, môi nở nụ cười tươi, đôi má ửng hồng, càng làm cho bức tranh tràn đầy sức sống. Chiều về, mỗi thiếu nữ đều mang trên lưng gùi hoa cải, hồn nhiên như đem cả mùa xuân về với bản làng. “Phượt” Dìn Chin ngắm hoa cải vàng cũng là một cái thú của nhiều bạn trẻ khi mùa xuân tới./.