Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) ngày 16/11 đánh giá, Mali cần chuẩn bị đối phó với nguy cơ lây lan đại dịch Ebola, đồng thời cảnh báo lần bùng phát này sẽ rộng và nguy hiểm hơn đợt trước.
Mặc dù ghi nhận nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống virus tử thần Ebola ở một số nước Tây Phi, song Tổ chức Y tế Thế giới vẫn rất lo ngại về tình hình hiện nay ở Mali, sau khi nước này phát sinh thêm 2 trường hợp tử vong và 4 người nhiễm mới.
Cùng với đó, các quan chức WHO nghi ngờ về hoạt động yếu kém của hệ thống y tế của Mali trong chẩn đoán và phòng chống Ebola.
Trước đó, một bệnh viên ở Thủ đô Bamako đã không phát hiện được triệu chứng Ebola đối với một giáo sĩ Hồi giáo bị nhiễm bệnh từ Guinea. Và khi ông này chết họ cũng không biết chính xác nguyên nhân tử vong. Chỉ đến khi, người y tá điều trị cho ông này đổ bệnh và chết sau đó vì Ebola thì giới chức y tế Mali mới công bố.
Điều mà Tổ chức Y tế lo ngại thêm là, khi người giáo sĩ chết, thi thể dễ lây bệnh của ông này được thực hiện trong một nhà thờ Hồi giáo rồi chuyển về Guinea để hỏa táng mà không có các biện pháp phòng ngừa Ebola nào.
Hiện giới chức y tế Mali đã đóng cửa bệnh viện điều trị hai bệnh nhân Ebola vừa nêu đồng thời cách ly một số địa điểm khác trong đó có một nhà thời Hồi giáo ở Bamako và nơi cư trú của người bệnh. Hơn 400 người được cho từng tiếp xúc với bệnh nhân đang được theo dõi nghiêm ngặt.
Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Mali - Ibrahim Fall cho biết: “Chúng ta phải chấp nhận thực tế. Trong khi theo dõi những người này, cần nhanh chóng xác định những trường hợp mắc mới. Và phải chuẩn bị những phương án đối phó. Hiện chúng tôi đang sẵn sàng cho điều đó. Các đội y tế thường xuyên giám sát người nghi nhiễm 2 lần một ngày. Chúng tôi hi vọng phát hiện sớm trường hợp mắc Ebola mới để nhanh chóng cách ly và khoanh vùng giới hạn”
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, với các trường hơp tử vong mới nhất được ghi nhận tại Mali, đến nay đã có hơn 5.000 người thiệt mạng vì Ebola trong tổng số hơn 13 người nhiễm, phần lớn ở khu vực Tây Phi./.