Chế biến sâu khoáng sản: “Chìa khóa” sản xuất công nghiệp bền vững

Do nền kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm sau cuộc khủng hoảng (2008), nên từ năm 2011 đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của nước ta chỉ tăng trưởng bình quân 5% - 7%/năm. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh lại có mức tăng trưởng ổn định ở mức hai con số.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (tính theo giá cố định 1994) trong năm 2012 đạt 3.150 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2011; năm 2013 đạt 3.940 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012; 10 tháng năm 2014 đạt 4.438 tỷ đồng, bằng 94,1% kế hoạch năm, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2013. Ngành công nghiệp của tỉnh có sự tăng tốc ngay giữa thời điểm nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn là vì tỉnh xác định lấy công nghiệp làm khâu đột phá để phát triển kinh tế. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản theo hướng tập trung, hiệu quả.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng các dự án khai thác, chế biến sâu nguồn khoáng sản tại địa phương. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng loạt các dự án, nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng chiều sâu được xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động. Điển hình là Nhà máy Tuyển quặng Apatít loại 3 Bắc Nhạc Sơn có công suất 350.000 tấn sản phẩm/năm; 5 nhà máy sản xuất phốt pho vàng, sản xuất hơn 50.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy Gang thép Lào Cai có công suất 1 triệu tấn sản phẩm/năm; 2 nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp NPK; Nhà máy sản xuất phân bón chất lượng cao DAP số 2 chuẩn bị đi vào sản xuất; 2 nhà máy sản xuất phụ gia thức ăn gia súc... Đây là những cơ sở sản xuất công nghiệp có yếu tố quyết định nâng sản lượng và giá trị sản phẩm công nghiệp có nguyên liệu là nguồn khoáng sản khai thác tại tỉnh.

Điều này có thể thấy rõ với Nhà máy Tuyển quặng Apatít loại 3 Bắc Nhạc Sơn, sau khi đi vào hoạt động (năm 2012), sản lượng quặng tuyển của Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam đã tăng từ 900.000 tấn lên 1,2 - 1,3 triệu tấn/năm. Quặng Apatít cũng là nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho những dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nếu tính riêng sản phẩm phốt pho vàng xuất khẩu với giá 5.000 - 8.000 USD/tấn (quy đổi tương ứng vào khoảng từ 110 - 168 triệu đồng/tấn) thì với sản lượng 50.000 tấn/năm sẽ mang lại giá trị rất lớn. Trong khi đó, để sản xuất ra 1 tấn phốt pho vàng chỉ cần nguồn nguyên liệu 10 tấn quặng apatít và sản lượng không đáng kể về phụ gia là quặng quắc-rít cũng có rải rác ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Trọng Phú, Giám đốc Nhà máy Tuyển Tằng Loỏng (Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam), chủ nhiệm một số đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học về tuyển quặng cho rằng, nguồn khoáng sản apatít ngày càng trở nên khan hiếm và khó khai thác, điều đó đòi hỏi hoạt động chế biến khoáng sản ngày càng có chiều sâu để nâng cao giá trị và tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia. Đó cũng là yêu cầu tất yếu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hướng tới nền sản xuất công nghiệp bền vững.

Ngành công nghiệp luyện kim của tỉnh cũng đã hình thành chu trình khép kín trên địa bàn với khâu khai thác, tuyển quặng và luyện kim. Điển hình là Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai mới đi vào hoạt động với nguồn quặng chính từ mỏ Quý Xa (Văn Bàn), Dự án Nhà máy Luyện đồng Lào Cai có công suất giai đoạn I đạt 10 nghìn tấn/năm có nguồn nguyên liệu là quặng tuyển và khai thác tại mỏ đồng Sin Quyền (Bát Xát). Về công nghiệp luyện kim, sản xuất phân bón, hóa chất của tỉnh tuy còn non trẻ, nhưng đã có đà tăng trưởng mạnh, chiếm 32,5% tỷ trọng toàn ngành với trị giá 1.300 tỷ đồng trong năm 2013. Kết quả này cho thấy chủ trương kêu gọi, ưu tiên các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học, công nghệ cao vào khai thác, chế biến nguồn khoáng sản là hết sức cần thiết và có ý nghĩa lớn. Chế biến sâu nguồn khoáng sản đã hạn chế lãng phí tài nguyên, tạo việc làm và quan trọng hơn cả là nâng cao giá trị sản xuất của ngành công nghiệp.

Hiện, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã hoàn thành giai đoạn I và đưa vào khai thác, đây là điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh có bước tiến nhanh và xa hơn nữa, bởi khâu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Để hiện thực hóa điều này cần có thêm những giải pháp thiết thực và kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho một số sản phẩm thường xuyên có sản lượng tồn kho lớn như quặng apatít, phân bón NPK, quặng sắt, axit sunfuric, phụ gia thức ăn gia súc, phốt pho vàng, supe lân, gạch xây dựng...

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.