Chính thức thông xe đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng không chỉ đối với Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và vùng Tây Bắc, mà còn cả nước, đồng thời có ý nghĩa trọng trong hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện các bộ, ngành, địa phương
cắt băng chính thức thông xe tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Sáng 21/9, tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Lễ thông xe dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai là dự án đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh-Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước tiểu vùng sông Mekong (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc).

Đây là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, với chiều dài (giai đoạn 1) là 245km đi qua Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.

Cùng với các tuyến Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Kạn, Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng... của cả nước nói chung và của khu vực Tây Bắc nói riêng, tạo đà chuyển dịch kinh tế của đồng bào các dân tộc; đồng thời, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A (đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng cao tốc 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100km/giờ; đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80km/giờ).

 

Thủ tướng cảm ơn hơn 25.000 hộ dân trong vùng dự án đi qua đã nghiêm túc
thực hiện chính sách thu hồi đất của Nhà nước, chấp nhận nhượng đất để xây dựng dự án.

Diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là trên 2.000ha, đền bù giải phóng mặt bằng cho hơn 25.000 hộ dân bị ảnh hưởng; xây dựng 99 khu tái định cư; di dời và xây mới hàng trăm công trình công cộng;…

Dự án phải thi công nhiều hạng mục với khối lượng rất lớn gồm 120 cầu lớn nhỏ, 1 hầm xuyên núi dài 530m, 1 hầm chui (giao QL2) dài 645m, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23 ha, 460 cống hộp và cống phục vụ dân sinh… Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 1 khoảng 1,5 tỷ USD.

Công trình quan trọng này được chính thức đưa vào khai thác sẽ giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 giờ so với 7 giờ như trước đây và mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương khu vực Tây Bắc và cả nước, là đòn bẩy tăng trưởng, thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên các tuyến QL 2, 2B, 32C, 4E và QL 70.

Phát biểu tại Lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai là đường cao tốc dài nhất, lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện tại; con đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng không chỉ đối với Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và vùng Tây Bắc mà còn cả nước, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng.

 

Người dân trong vùng dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai phấn khởi chào mừng
Lễ thông xe dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, các đơn vị liên  quan, các cán bộ, kỹ sư, người lao động… đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, lao động cật lực trên công trường 5 năm qua để đến hôm nay dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được hoàn thành, con đường là niềm mong ước từ lâu của nhân dân đã trở thành hiện thực.

Thủ tướng cũng cảm ơn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tài trợ, cho vay dự án với số tiền vay lớn, hơn 1 tỷ USD cũng như các cam kết tài trợ, cho vay ưu đãi phát triển hạ tầng khác; khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ, trong đó có nguồn vốn của ADB.

Đồng thời, Thủ tướng cảm ơn hơn 25.000 hộ dân trong vùng dự án đi qua đã nghiêm túc thực hiện chính sách thu hồi đất của Nhà nước, chấp nhận nhượng đất để xây dựng dự án; yêu cầu chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân bị thu hồi đất ổn định cuộc sống, sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các công trình phụ trợ trên tuyến đường; Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thu xếp vốn, thực hiện tiếp giai đoạn 2 của dự án, bảo đảm theo đúng kế hoạch.

Các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp với Bộ GTVT, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam kịp thời hỗ trợ, phối hợp xây dựng các hạng mục công trình kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của toàn bộ tuyến đường.

Các địa phương có tuyến đường đi qua khẩn trương cập nhật, bổ sung quy hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân./.

Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...