Viết tiếp bài ca trên vùng biên ải

Những người sinh ra ở Nậm Chạc (Bát Xát) hay những ai đến đây lập nghiệp đều có một cảm nhận chung rằng, mảnh đất vùng biên này đang từng ngày đổi thay. Tiếp bước các thế hệ đi trước, người dân nơi đây đang viết tiếp bài ca xây dựng cuộc sống mới.

“Kỳ tích” ở Nậm Giang

Cô cán bộ văn phòng UBND xã chỉ về phía người đàn ông nước da ngăm đen, dáng người chắc nịch nói, đó là Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Phừ. Nở nụ cười hiền hậu, ông đón chúng tôi lên căn phòng làm việc nhỏ. Thật khó hình dung người cán bộ xã giản dị đang tiếp chuyện chúng tôi đã làm nên những kỳ tích trên mảnh đất này.

Trẻ em Nậm Chạc hôm nay luôn được quan tâm chăm lo học tập.

Đầu những năm 90, Sùng A Phừ được bầu làm Trưởng thôn Nậm Giang (gồm cả khu vực thôn Nậm Giang 1, Nậm Giang 2, Cửa Suối bây giờ). Khi ấy, đất đai ở khu vực Nậm Giang, Cửa Suối còn bỏ hoang nhiều, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. “Cái đói còn lo chưa xong thì mong nghĩ gì được chuyện khác”, nhiều lần đắn đo, ông quyết định phải vận động người dân góp sức mở con mương từ Nậm Chạc về Cửa Suối. Con mương không dài nhưng có nhiều đoạn đi qua núi đá, thực sự là một thử thách lớn. Nhiều người lắc đầu: “Không “bắt” dòng nước chảy ngược được đâu”. Nhưng không nản lòng, Trưởng thôn Phừ vừa kiên trì vận động người dân, vừa tự tay phá từng mỏm đá. Sau đó, một người, hai người, rồi cả bản cùng làm theo. Ròng rã gần hai năm trời, dưới sự chỉ huy của Trưởng thôn Sùng A Phừ, những người dân vùng cao nơi đây chỉ bằng sức lao động thủ công đã lật từng hốc đá, gốc cây, đào đắp từng đoạn mương, khơi thông dòng nước. Con mương dài 2 cây số hình thành đã góp phần cung cấp nguồn nước cho 4 ha đất sản xuất, biến khu vực bỏ hoang trước đây thành đồng ruộng hai vụ quanh năm xanh tốt. Sau con mương về Cửa Suối, Trưởng thôn Phừ lại tiếp tục vận động người dân đào mương về thôn Nậm Giang 2 dài gần 5 km. Ngày dòng nước dẫn về Nậm Giang 2, cả thôn mừng như mở hội. Có nguồn nước sản xuất, người dân bảo nhau khai phá ruộng đất, trồng lúa nước, chỉ sau vài năm, Nậm Giang không còn hộ nào thiếu đói nữa.

Năm 2002, Sùng A Phừ được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Nậm Chạc, sau đó là Bí thư Đảng ủy xã. Lãnh đạo một thôn đã khó, bây giờ trách nhiệm trên vai ông càng nặng nề hơn với hàng núi công việc. “Trước hết phải làm cho giao thông thông suốt, để nhân dân các thôn, bản có điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế” - ông Sùng A Phừ đề đạt ý kiến lên cấp ủy, chính quyền địa phương và nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao. Cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, xã đã cử cán bộ xuống từng thôn, bản vận động người dân góp sức mở đường, cán bộ Sùng A Phừ cũng trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động. Ba năm sau đó, xã Nậm Chạc như một công trường xây dựng, các tuyến đường giao thông lần lượt được mở mới. Đến hết năm 2004, đường giao thông đến các thôn, bản đã được thông suốt. Mùa thu hoạch ngô, thương lái đánh xe đến tận chân đồi thu gom nông sản, người dân cũng nuôi nhiều trâu, nhiều lợn hơn để bán ra bên ngoài. “Con đường mới như cánh cửa đưa người dân bước qua cái nghèo, từng bước vươn lên. Cũng từ phong trào mở đường giao thông trước kia, nên hiện nay việc vận động nhân dân chung sức đổ bê tông đường giao thông nông thôn xây dựng nông thôn mới hết sức thuận lợi” - Bí thư Đảng ủy Sùng A Phừ nói.

Mở hướng làm giàu

Khu vực ngã ba, từ Tỉnh lộ 156 vào trung tâm xã Nậm Chạc nhìn đâu cũng thấy chuối xanh mướt. Chuối bạt ngàn trên các bãi bồi ven sông Hồng, men theo cửa suối Nậm Chạc đến những triền đồi.

Chúng tôi gặp vợ chồng anh Lý Văn Ngam, thôn Cửa Suối đang xếp những buồng chuối vừa cắt vào giá đỡ chờ thương lái đến gom hàng. “Đang đầu vụ, chuối được giá 18.000 đồng/kg, nên phải tranh thủ thu hoạch nhanh” - anh Ngam cho biết. Trước đây, cũng như hầu hết các hộ dân trong thôn, kinh tế gia đình anh dựa vào cây lúa, cây ngô nên làm mãi cũng chỉ đủ ăn. Trong thời gian nhàn rỗi, anh làm thuê cho một doanh nghiệp trồng chuối trên địa bàn. Vừa làm, vừa tự học hỏi kỹ thuật, dần dần anh Ngam có thể tự mình làm hết các khâu trong quy trình trồng cây chuối cấy mô. Năm 2011, anh dùng hết số tiền đi làm thuê dành dụm được mua cây giống về trồng thử trên diện tích đất ruộng nhà mình. Cứ thế, anh từng bước mở rộng diện tích trồng chuối. Hiện tại, vườn chuối gần 8.000 gốc trải dài ven suối Nậm Chạc mỗi năm mang lại cho gia đình Lý Văn Ngam khoản thu không dưới 100 triệu đồng. Anh cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân trong thôn để cùng nhau làm giàu.

Gia đình anh Lý Văn Ngam, thôn Cửa Suối thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm từ cây chuối.

Trưởng thôn Cửa Suối, Lầu A Chỉnh cho biết: Thôn Cửa Suối có 41 hộ thì có đến 37 hộ trồng chuối. Đường giao thông thuận lợi nên bây giờ ôtô, xe máy có thể vào tận vườn để thu mua.

Không chỉ phát triển mạnh ở thôn Cửa Suối, cây chuối còn đang được mở rộng ra cả các thôn Ma Cò, Nam Xá... Ngoài hai loại cây truyền thống giúp người dân xóa đói, giảm nghèo là lúa và ngô, những năm gần đây, cây chuối được đưa vào trồng thành công ở Nậm Chạc đã và đang trở thành cây làm giàu cho người dân nơi đây. Ngoài ra, xã cũng đang phối hợp với một số đơn vị đưa vào trồng thử nghiệm một số cây dược liệu (đương quy, ý dĩ) để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Chăm lo sự học

Đời sống người dân ngày một nâng lên, không khó để nhận ra những căn nhà mới mọc lên ngày càng nhiều, những tuyến đường bê tông dần thay thế cho con đường đất trước kia đang vươn dài đến các thôn, bản. Và quan trọng hơn, đồng bào nơi đây đã thay đổi nhận thức trong việc chăm lo sự học của con em mình.

Tẩn San Mẩy cùng các bạn ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Chạc đã sớm bước vào năm học mới. Nhà Mẩy ở tận thôn Suối Thầu 3, cách trường gần 10 km. Mấy năm trước, nhiều học sinh như Mẩy học hết lớp 5 thường bỏ học, phần vì ở nhà để gia đình có thêm lao động, phần vì nếu học lớp 6 phải đi bộ quá xa. Từ khi mô hình bán trú ra đời, số học sinh phải nghỉ học giảm đáng kể, những học sinh ở các thôn xa như Suối Thầu, Nậm Giang, Nậm Cáng… ở lại trường cả tuần, yên tâm theo học. Không chỉ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, các em còn được các thầy, cô giáo chăm lo từ chuyện học hành đến nơi ăn, chốn ngủ.  

Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Phừ nhớ lại đầu những năm 90 chỉ có vài lớp học ở trung tâm xã, đồng bào ở hầu hết các thôn, bản chưa biết chữ, nhiều người già biết ông đã được đi học nên bảo: “Mày có cái chữ thì mua sách về dạy cho bọn trẻ đi!”. Để tạo điều kiện cho “thầy Phừ” có lớp dạy học, người dân trong thôn Nậm Giang tự nguyện góp sức dựng căn nhà tạm, xẻ gỗ làm bàn học. Sau này, có cô giáo tình nguyện về đứng lớp, đồng bào lại bảo nhau góp gạo để cô giáo yên tâm dạy chữ cho con em mình… Sự học ở Nậm Giang nói riêng và Nậm Chạc nói chung đã bắt đầu như thế.

Nậm Chạc bây giờ đã có đủ ba cấp học từ mầm non, đến THCS, tuyến đường bê tông chạy qua khu vực trung tâm xã nối liền các trường học được xây dựng khang trang, đó là chưa kể các điểm trường mầm non, tiểu học đã vươn tới các thôn, bản, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em ra lớp. Năm nào tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp của thôn cũng đạt 100%. Trong thôn có nhiều em đi học cao đẳng, đại học, bây giờ đã trở thành những cán bộ xã, y sỹ, giáo viên... công tác ở Nậm Chạc và các xã lân cận. Ông Trang A Chàng, Trưởng thôn Nậm Chạc đã sống hơn nửa đời người trên mảnh đất này nói rằng, chỉ cần nhìn bọn trẻ được học hành đầy đủ là thấy hết những đổi thay ở đây rồi.

Thầy giáo Vũ Xuân Sang, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Chạc vui mừng thông báo, năm học vừa qua 70% học sinh tốt nghiệp THCS đã đăng ký vào học tại các trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú THCS ra đời từ năm 2012 đã và đang tạo thêm nhiều thuận lợi hơn trong việc huy động trẻ em từ các thôn xa theo học THCS.

Tiết học âm nhạc hôm nay, Tẩn San Mẩy và các bạn lớp 6A của mình đang tập hát Quốc ca. Giữa núi rừng biên giới, lời bài hát Tiến quân ca vang lên từ những em học sinh người Mông, người Dao, người Giáy… mang đến cho chúng tôi những cảm xúc thật lạ. Rồi đây, các em sẽ là những chủ nhân của mảnh đất này, là những cán bộ xã, giáo viên, những nông dân sản xuất giỏi, góp phần xây dựng, bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc bình yên và giàu đẹp.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).