Huyện Bát Xát: Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Phát huy lợi thế về đất đai, lao động và được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của tỉnh, huyện Bát Xát đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất, đồng thời triển khai các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản. Huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hoá, tạo thuận lợi cho nông dân phát triển kinh tế bền vững.
 
Là huyện vùng cao, biên giới, kinh tế nông - lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, vì vậy Bát Xát xác định phải tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Để hiện thực chủ trương trên, những năm qua, huyện Bát Xát đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh việc tìm ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, phát triển và nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương thì các mô hình được triển khai còn trực tiếp đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi dần tập quán canh tác cũ của nông dân. Huyện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông nghiệp như lúa chất lượng cao gần 4.691 ha, ngô hàng hóa 4.360 ha, chè nguyên liệu 517 ha, chuối mô 540 ha, dứa 118 ha, dong riềng 149 ha, lê Tai nung 50 ha, rau 1.500 ha, cây dược liệu 2.066 ha (thảo quả 1.906 ha, xuyên khung 80 ha, sa nhân 80 ha).



Nông dân huyện Bát Xát thu hoạch lúa xuân.

Về lĩnh vực chăn nuôi, Bát Xát phát triển đàn đại gia súc với quy mô 26.120 con, đàn lợn gần 76.000 con, vùng nuôi thủy sản là 270 ha. Đặc biệt, mô hình nuôi cá nước lạnh ở các xã Ý Tý, Dền Sáng đã cho hiệu quả bước đầu.

Bản Qua là một trong những xã làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, Bí thư Đảng ủy xã Lò A Quáng cho biết: Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ xã Bản Qua đã chủ trương quy hoạch và xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời coi trọng và khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó làm thay đổi phương thức tập quán sản xuất cũ, chuyển sang hợp tác đa canh, đa con với quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Hiện, toàn xã có hơn 240 ha lúa 2 vụ (trong đó có 50 ha lúa giống), 60 ha cây chuối mô, hơn 100 ha ngô hàng hóa, 71 ha nuôi thủy sản và hàng chục ha rau màu các loại. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2013 đạt 20 triệu đồng/người.

Ghé thăm hộ ông Vũ Văn Loát, thôn Châu Giàng, xã Bản Qua, với mô hình phát triển kinh tế hộ bằng đầu tư nuôi lợn rừng dưới tán rừng, cấy lúa nước kết hợp với nuôi thủy sản, đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Ông Loát phấn khởi cho biết: Có lợi thế đất đai rộng và nhân lực, sau khi được cán bộ khuyến nông giới thiệu hướng dẫn các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở địa phương và các tỉnh, đúc rút kinh nghiệm thực tế, gia đình đã mạnh dạn tập trung đầu tư trồng 2,5 ha rừng sản xuất, xây dựng hệ thống chuồng nuôi 150 con lợn rừng, 0,9 ha ao được đầu tư nuôi cá chép, trôi, trắm cỏ. Để có những kết quả như vậy, theo ông Loát phải chịu khó, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đồng thời nắm bắt tốt thị trường để tránh rủi ro về giá.

Là người đầu tiên ở tỉnh đưa cây cao su vào trồng trong trang trại vườn rừng của gia đình, ông Hoàng Mộc Lan, thôn Châu Giàng, xã Bản Qua hiện có 15 ha cây cao su, chủ yếu là giống Vân Nghiên 77 - 2. Sau gần 10 năm “bén rễ” trên vạt đồi, những cây cao su trồng đầu tiên của hộ gia đình ông Hoàng Mộc Lan đã cho khai thác lượng mủ đầu tiên, ông Lan nhẩm tính, khi cây cao su đi vào khai thác mủ ổn định, mỗi cây thu khoảng 1 triệu đồng/năm tiền bán mủ. Với gần 9.000 cây, gia đình ông có thể thu gần 9 tỷ đồng, trong khi cây cao su có thời gian cho thu hoạch mủ tới 25 năm. Ngoài đầu tư trồng cao su, gia đình ông dành 5 ha để thả cá, nuôi vịt, gà, lợn và cấy lúa.
 


Mô hình nuôi cá cho thu nhập cao ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát.

Giới thiệu với chúng tôi về những mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Cốc San Nguyễn Viết Hợp khẳng định: Từ những mô hình thử nghiệm hiệu quả, nhiều hộ dân sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuồng nuôi nhốt gia súc, thay đổi thói quen làm ăn manh mún, mở rộng quy mô sản xuất để vươn lên làm giàu. Nếu như trước kia, nông dân chủ yếu cấy lúa hai vụ, xen trồng màu những với hình thức nhỏ lẻ, manh mún, đến nay đã quy hoạch thành vùng cấy lúa giống, xây dựng cánh đồng chuyên sản xuất rau màu với mô hình trồng rau an toàn cho giá trị kinh tế cao.

Nuôi thủy sản cũng là thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Cốc San, phương thức nuôi thả cũng đã có chuyển biến mạnh bằng việc nuôi bán thâm canh và thâm canh theo hình thức chuyên một loại giống cá, như chép, trắm cỏ, trôi, mè… từ đó đã chủ động hơn trong phòng dịch bệnh và thuận lợi trong khâu tiêu thụ.

Bằng nhiều giải pháp quy hoạch vùng, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Bát Xát đã và đang hình thành những vùng chuyên canh và thâm canh các loại cây trồng theo hướng hàng hóa tập trung, áp dụng triệt để tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Hiện, hệ số sử dụng đất toàn huyện là 1,92 lần và giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích canh tác đạt hơn 47 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết, để nâng cao hơn hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Bát Xát đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động hơn 40 hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn nhằm thu hút nhiều người tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn cần quan tâm mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết sản xuất cùng nông dân./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế

Để cùng chung tay kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Cục Thuế tỉnh Lào Cai thông tin một số nội dung liên quan đến miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế (Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày...

Tập trung khắc phục các điểm sạt lở trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Mưa lớn kéo dài đã khiến tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn đi qua địa bàn tỉnh Lào Cai xuất hiện nhiều điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở với khối lượng lớn, các phương tiện lưu thông qua lại gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Tỉnh Bình Dương ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai 10 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Chiều 16/9, Đoàn công tác của tỉnh Bình Dương do đồng chí Nguyễn Văn Dành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Vận động cứu trợ tỉnh làm Trưởng đoàn đã tới trao quà hỗ trợ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai.

Hơn 5.600 tập thể, cá nhân ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến 15 giờ ngày 17/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của hơn 5.600 tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với số tiền số tiền hơn 242,6 tỷ đồng (trong đó Quỹ cứu trợ Trung ương là 180 tỷ đồng; các...

Lào Cai công khai danh sách chuyển tiền hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3

Ngày 17/9, Ban vận động Cứu trợ tỉnh Lào Cai - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai công bố danh sách phân bổ 46 tỷ đồng đến Ban Vận động cứu trợ 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.

"Ăn đường, ngủ sương" nối đường dây liên lạc

Những ngày qua, Lào Cai chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai. Mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao, nhiều cung đường, bản làng bị sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh các lực lượng cứu hộ oằn mình cứu và tìm kiếm người dân bị nạn còn có những "người lính thông tin" cũng lao mình vào mưa bão, bất chấp thiên tai...