Khỏa nước sông Chảy

Dọc dài đoạn sông này, trước đây người ta coi đó là chốn thâm sơn, cùng cốc. Nhưng khi Nhà máy Thủy điện Bắc Hà được xây dựng, nơi đây bỗng trở thành vùng đất tấp nập, trên bến dưới thuyền, non nước hùng vĩ, nhiều người muốn đến để khám phá và trải nghiệm.
 


Du thuyền trên sông Chảy. 

 
Ngày đầu năm, chúng tôi quyết định ngược sông Chảy để thỏa nỗi khát khao. Dậy từ 5h, chuẩn bị hành trang, cả đoàn lên xe, chạy một mạch đến bến sông Chảy. Cái rét đến thấu xương, kết hợp với mưa phùn cũng không làm vơi sự háo hức. Xe vượt qua Nhà máy Thủy điện Bắc Hà một đoạn là đến bến thuyền.

Từ khi công trình thủy điện Bắc Hà hoàn thành, phía thượng lưu trở thành hồ nước khổng lồ và người ta cũng cho thành lập một bến thuyền để phục vụ nhu cầu đi lại, thưởng ngoạn và phát triển du lịch. Đón chúng tôi dưới bến là anh Giàng Pao, ở thôn Cán Cấu 2, xã Tả Thàng (Mường Khương). Anh là một thanh niên dân tộc Mông chính hiệu, vốn chỉ quen với nương đồi nhưng khi có hồ thủy điện Bắc Hà, Pao đã trở thành người lái đò trên sông Chảy.

Chỉ tay về phía hạ lưu, Giàng Pao nói: Đấy, cái đập bê-tông khổng lồ của Nhà máy Thủy điện Bắc Hà đã chặn cả dòng sông, nên trên này trở thành hồ nước lớn. Khi đó, Pao cũng như một số người khác, đi ra ngoài Bắc Ngầm (xã Xuân Quang, Bảo Thắng), thuê xưởng cơ khí đóng thuyền, trước để làm phương tiện đi lại, đánh bắt thủy sản, sau để phục vụ khách du lịch muốn khám phá sông nước. Chiếc thuyền máy của Pao trị giá 100 triệu đồng, được đăng kiểm, có phao và áo cứu hộ đầy đủ. “Nói gì thì nói, an toàn là trên hết, hơn nữa, sông nước không thể nói mạnh được, nên phải trang bị đầy đủ áo phao”, Pao cho biết.

Được nghe và nhìn thấy, chúng tôi hoàn toàn yên tâm mà khỏa nước sông Chảy. “Mọi người ổn định chỗ ngồi nhé”, tiếng Pao cất lên. Tiếng máy nổ giòn tan, chiếc thuyền máy từ từ đưa cả đoàn ngược sông Chảy. Do không phải mùa lũ, nên nước sông Chảy lững lờ, mặt nước chỉ gợn sóng khi có cơn gió thoảng qua. Lúc này là sáng sớm, trời vùng cao còn sương, nên cả vùng mặt nước được phủ làn sương trắng mỏng manh, không khác gì bức tranh thủy mặc, đẹp đến mê người. Mấy bạn của tôi dường như không quen với cái rét cuối mùa của vùng cao, nên đi giữa lòng hồ, họ luôn co ro, xuýt xoa. Khoảng 30 phút sau, mặt trời nhô lên, ánh nắng đem đến sự ấm áp, khiến cả đoàn mừng rỡ.

Ngồi trên thuyền, mọi người tha hồ thả hồn với dòng nước trong vắt, lững lờ trôi, mọi ưu phiền, lo toan thường nhật dường như tan biến, chỉ còn lại những âm thanh trong trẻo của cuộc sống bình dị hai bên dòng sông.

Do là thuyền máy, nên việc điều khiển cũng rất đơn giản, vì thế, Giàng Pao càng có thời gian để làm “hướng dẫn viên”. Qua lời của Pao, chúng tôi được biết, lòng sông Chảy có đoạn đã rộng gấp 3 - 4 lần so với trước khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Bắc Hà. Từ ngày có hồ thủy điện, cuộc sống trên dòng sông này sôi động hơn trước rất nhiều. Dọc đoạn sông, không thể đếm chính xác, nhưng cũng có khoảng vài chục chiếc thuyền máy như của Giàng Pao, chiếc đậu, chiếc xuôi, chiếc ngược để chở khách hoặc chở củi. Thậm chí, nhiều hộ đã tận dụng mặt nước để cất vó, thả câu. Nhìn thoáng qua, dường như có gì đó giống với vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

 Càng đi ngược về thượng lưu, chúng tôi càng thấy bất ngờ đến thú vị. Mặc dù đi thuyền máy, nhưng Pao cũng không cho chạy nhanh, để mọi người được thỏa sức ngắm và cảm nhận vẻ đẹp sông nước, núi rừng. Mỗi lần, Pao cho thuyền chạy chậm lại hơn, đều có lý do bởi ở những chỗ này, có rừng già, có thác nước và hoa rừng. Rồi, bên triền sông, thấp thoáng bóng người đang vào mùa vụ mới, họ miệt mài dọn cỏ, cuốc đất để gieo vụ ngô mới.

Suốt 3 tiếng đồng hồ ngược sông Chảy, chúng tôi đã đến cầu Bản Mế. Cây cầu là gạch nối giữa hai huyện vùng cao yêu thương của Lào Cai, là Mường Khương và Si Ma Cai. Tại đây, hai bờ tả - hữu đều có bến thuyền, để mọi người lên và tiếp tục chọn hành trình khám phá Si Ma Cai hoặc Mường Khương bằng đường bộ.

Chia tay Pao, chia tay những tiếc nuối vì chưa khám phá hết vẻ đẹp của lòng hồ thủy điện sông Chảy nhưng như thế càng khiến chúng tôi thêm háo hức để lần sau và những lần sau nữa sẽ tiếp tục khám phá sông nước, con người và cuộc sống dọc dài sông Chảy. Đưa chúng tôi lên bờ xong, Giàng Pao xuôi thuyền về hạ lưu, ở đó đang có nhiều người chờ đợi để được khám phá lòng hồ sông Chảy./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.

Đi tàu hỏa - trải nghiệm thú vị cho du khách đến Lào Cai