Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024.
Đây là bước đi quan trọng nhằm đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu, ứng dụng và khai thác công nghệ chuỗi khối trong khu vực và thế giới, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số toàn diện và phát triển kinh tế số.
Các mục tiêu chiến lược quan trọng
Phát triển hạ tầng chuỗi khối quốc gia: Chiến lược đặt mục tiêu hình thành Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam vào năm 2025, đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và tương thích với các quy định pháp luật. Hạ tầng này sẽ là nền tảng cho các ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý nhà nước, kinh doanh và các ngành kinh tế trọng điểm như tài chính, y tế, giao thông, giáo dục, nông nghiệp, và thương mại.
Tạo lập hệ sinh thái blockchain: Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu blockchain uy tín trên thị trường khu vực, với các sản phẩm và dịch vụ blockchain được sử dụng trong và ngoài nước. Hệ sinh thái blockchain sẽ bao gồm các doanh nghiệp công nghệ số trong nước, đảm bảo khả năng cạnh tranh quốc tế.
Phát triển nguồn nhân lực: Chiến lược chú trọng đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cao về công nghệ chuỗi khối. Trong đó, các trường đại học, cao đẳng sẽ đưa blockchain vào chương trình giảng dạy, đồng thời thiết lập các cơ sở nghiên cứu và đào tạo nhân tài trong lĩnh vực này. Đến năm 2025, 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo blockchain sẽ được xây dựng và nâng cấp.
Thúc đẩy ứng dụng blockchain trong mọi lĩnh vực: Các ngành như tài chính - ngân hàng, giao thông, y tế, giáo dục, thương mại, và dịch vụ công sẽ áp dụng rộng rãi công nghệ blockchain. Hệ sinh thái "Blockchain+" sẽ được hình thành, thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ thông minh, minh bạch và an toàn hơn.
Mở rộng hợp tác quốc tế và nghiên cứu đổi mới sáng tạo: Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và ứng dụng blockchain, đồng thời tham gia vào các dự án song phương và đa phương. Việc tổ chức các cuộc thi và phòng thí nghiệm về blockchain sẽ tạo điều kiện để khám phá và phát triển các giải pháp, sản phẩm đột phá.
Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ chuỗi khối, góp phần thực hiện hóa mục tiêu quốc gia số ổn định và thịnh vượng./.