Bát Xát: Xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Huyện Bát Xát có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài khai thác các giá trị văn hóa bản địa thì địa phương đang hướng đến việc khai thác các tour, tuyến du lịch trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng cao, với mục tiêu xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.Để khai thác tiềm năng du lịch, huyện Bát Xát đã có sự chuẩn bị trong nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt là công tác rà soát thống kê tài nguyên, quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Từ năm 2016 đến nay, với việc thực hiện Đề án số 04/ĐA-HU về “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2016-2020”; Đề án số 05-ĐA/HU về “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020-2025”, huyện Bát Xát đã tập trung huy động nguồn lực; tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư, trong đó tập trung cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng cấp cao tại các vùng trọng điểm du lịch của huyện: Y Tý, A Lù; các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có tại các xã Sàng Ma Sáo, Trịnh Tường, Mường Hum... để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tới để phát triển các sản phẩm du lịch mới đặc sắc theo quy hoạch.
Bát Xát tập trung đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Y Tý, A Lù.
Tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó quan tâm tới các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; sản phẩm du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng gắn với các danh thắng, di sản văn hóa đã được công nhận như: di tích danh thắng cấp quốc gia Ruộng bậc thang Thề Pả; di tích danh thắng cấp tỉnh đường đá cổ Pavie; các sản phẩm chinh phục đỉnh cao (đỉnh Pu Ta Leng 3.049m, Kỳ Quan San 3.046m, Nhìu Cồ San 2.965m, Lảo Thẩn 2.860m...); chợ phiên vùng cao Mường Hum, Y Tý; Chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng gắn với Di tích Đền Mẫu Trịnh Tường và Cột cờ Lũng Pô. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống: lễ hội xuống đồng; lễ hội Pút Tồng; lễ cúng rừng (Gạ Ma Gio), lễ hội Khô Già Già…
Tính đến tháng 9/2024, huyện Bát Xát đón gần 600.000 lượt khách, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 772,7 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào doanh thu, đưa tỷ trọng doanh thu du lịch trong cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện đạt gần 5,3%.
Để đạt mục tiêu đón 1,8 triệu lượt du khách vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch trung bình hàng năm đạt trên 20%, huyện Bát Xát tiếp tục ưu tiên nguồn lực, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm đang thực hiện, trọng tâm là kết nối Y Tý với khu du lịch quốc gia Sa Pa và thành phố Lào Cai, góp phần thu hút, kích cầu cho du lịch Bát Xát.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay đã và đang thực hiện cải tạo nâng cấp được trên 100 km đường tỉnh lộ. Các đoạn, tuyến còn lại chưa được đầu tư sẽ tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tới để đạt mục tiêu đến hết năm 2025 tất cả các tuyến đường tỉnh lộ dẫn tới các tài nguyên du lịch của huyện sẽ cơ bản được cải tạo nâng cấp đạt tiêu chuẩn. Đây sẽ là cơ sở thuận lợi để thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm, tháo gỡ nút thắt tồn tại nhiều năm qua đối với sự phát triển của du lịch Bát Xát, từng bước hiện thực hoá mục tiêu đưa Y Tý trở thành khu du lịch đặc sắc.
Đẩy nhanh công tác quy hoạch, trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, huyện Bát Xát đã phối hợp với các sở ngành tham mưu cho tỉnh tăng cường thu hút được các dự án du lịch cao cấp, nổi bật là Dự án sân golf khu vui chơi giải trí Sapa Grand Golf Course tại thị trấn Bát Xát; Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Biển Mây tại xã Y Tý đã cơ bản hoàn thành. Quá trình khảo sát và xây dựng các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị du lịch Y Tý đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, tổ chức, doanh nhiệp lớn có danh tiếng đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong năm 2024, trên cơ sở Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý, UBND huyện Bát Xát tiếp tục hoàn thiện Đề án "Phát triển du lịch Y Tý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" để trình UBND tỉnh phê duyệt. Đây là tiền đề để Y Tý huy động nguồn lực, xúc tiến đầu tư mở ra cơ hội cho giai đoạn phát triển mới.
Phát triển du lịch gắn với các di tích, danh thắng.
Tiếp tục xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với lợi thế của huyện, trọng tâm là thu hút các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh.... Phối hợp triển khai hiệu quả các sản phẩm du lịch sinh thái, giải trí, khám phá tại khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch gắn với các di tích danh thắng, di sản văn hóa đã được công nhận như: Ruộng bậc thang Thề Pả, đường đá cổ Pavie; hoàn thành xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích danh thắng với các đỉnh núi, thác nước tiêu biểu (đỉnh Pu Ta Leng, Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn, thác Ong Chúa...) trong năm 2024.
Hình thành và gắn kết hiệu quả chuỗi sản phẩm được công nhận OCOP với hoạt động du lịch như: Gạo Séng Cù, rượu thóc, miến đao sâm, chè cổ thụ, các sản phẩm chế biến từ củ Hoàng Sin Cô, các farm stay, vùng dược liệu, sản phẩm của làng nghề chạm bạc tiên nữ của người Dao đỏ; nghề đan lát mây, tre đan người Hà Nhì,... Triển khai trồng cây xanh, cây cảnh quan, duy trì và phát triển bền vững các sản phẩm du lịch về các loại hoa đặc trưng trong khu bảo tồn, các xã vùng cao, giữ gìn vệ sinh môi trường thu hút du khách trải nghiệm./.