Tự hào và xúc động trong Ngày hội Văn hóa vì hòa bình
Hà Nội hào hoa, Hà Nội anh dũng, Hà Nội giàu có về di sản, Hà Nội năng động trong hội nhập và phát triển… Màn diễu hành của 9000 người, gồm nghệ nhân, nghệ sĩ, lực lượng vũ trang và người dân Thủ đô trong "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" vừa tóm tắt một phần lịch sử Hà Nội, đặc biệt là những tháng ngày hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, Ngày Giải phóng Thủ đô lịch sử, vừa giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc nhất của Thủ đô. Tự hào và xúc động là cảm giác của người trực tiếp diễu hành cũng như những người dân Hà Nội.
Tái hiện hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô.
Toàn bộ không gian hồ Hoàn Kiếm những ngày này trở thành một Hà Nội thu nhỏ của những năm tháng xưa cũ, với những cửa ô được dựng lên, với những Ô Cầu Giấy, Ô Đông Mác … Dọc tuyến đường Đinh Tiên Hoàng là những mô hình tái hiện những di sản đặc sắc nhất của Thủ đô. Đó là Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, là chợ Đồng Xuân, là những nếp nhà rêu phong phố cổ… Dưới ánh nắng thu dịu nhẹ, đúng 7 giờ 30 phút ngày 6/10, màn diễn đại thực cảnh “Ký ức Hà Nội” mở màn cho các hoạt động của "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình", một hoạt động trọng điểm kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình.
Với 3 phân đoạn: “Những ngày toàn quốc kháng chiến”, “Cảm xúc tháng Mười” và “Khí phách Hà Nội”, các nghệ sĩ đã tái hiện sinh động câu chuyện huyền sử về vua Lê Lợi trả gươm báu cho thần Kim Quy ở hồ Hoàn Kiếm thể hiện ước nguyện độc lập-tự do-hòa bình-thịnh vượng; tái hiện khoảng thời gian 9 năm kháng chiến gian khổ đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, để ngày 10/10/1954, người dân Hà Nội tràn ngập trong niềm hân hoan, hạnh phúc đón đoàn quân chiến thắng trở và thể hiện một Hà Nội năng động, sáng tạo trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Trong không khí phấn khởi và tự hào, phát biểu tại sự kiện, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Cách đây 1014 năm, vào mùa thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, Vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của nước Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó đến thời đại Hồ Chí Minh, với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn trường tồn, vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc. Trải qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, cùng công cuộc kiến thiết và bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của nước nhà, Hà Nội đã được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tôn vinh, phong tặng những danh hiệu cao quý như “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.
“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ”.
Những hình ảnh về đoàn quân trở về Giải phóng Thủ đô gây xúc động lòng người.
Được chờ đón nhất trong "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" là chương trình biểu diễn nghệ thuật, diễu hành. Mọi người đều xúc động khi chứng kiến màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng”. Cảm xúc thiêng liêng và tự hào khi đoàn quân tiến qua lễ đài. Đặc biệt, trên chiếc xe ô-tô mui trần, hình ảnh Bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Nội vẫy tay chào người dân Thủ đô trong ngày 10/10/1954 được tái hiện, theo sau là lớp lớp đoàn quân “đem vinh quang sức dân tộc trở về”.
Đó là khoảnh khắc không thể nào quên, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của Thủ đô.
Giới thiệu kho tàng văn hóa đặc sắc của Thủ đô tại Ngày hội.
Phần tiếp theo của chương trình biểu diễn, diễu hành có tên “Dòng chảy di sản”. Sau tiếng trống hội âm vang giục giã, hàng loạt di sản văn hóa đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội giới thiệu. Đó là màn Múa Cờ - nghiềm quân Hội Quán Giá (huyện Hoài Đức), Múa rồng (huyện Thanh Oai), tục thờ, lễ hội Tản viên Sơn Thánh – vị Thánh đứng đầu trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam...
Công chúng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi chứng kiến sự giàu có của di sản Thăng Long – Hà Nội. Ngay sau “Điệu múa Ải Lao” là màn trình diễn tái hiện Hội Gióng ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Tại khu vực lễ đài chính, ở đường Đinh Tiên Hoàng khu vực trước tượng đài Lý Thái Tổ, ông Hiệu múa cờ tạo nên những hình ảnh hùng tráng và đẹp mắt.
Các nghệ nhân ca trù phấn khởi trong ngày hội.
Chương trình tiếp tục với màn giới thiệu tín ngưỡng “Thờ mẫu Việt Nam”, nghệ thuật hát chầu văn (hát văn) là loại hình nghệ thuật gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tiếp đó là màn diễu hành giới thiệu truyền thống thờ phụng “Thăng Long tứ trấn”, tín ngưỡng thờ Hai Bà Trưng, giới thiệu về truyền thống khoa bảng của Thăng Long. Kế đến là các loại hình nghệ thuật dân gian như múa sênh tiền, múa Bài Bông, Ải Lao, múa rồng Giảo Long, chèo tàu Tổng Gối…
Phụ nữ Thủ đô duyên dáng trong Ngày hội Văn hóa vì hòa bình.
Sau phần diễu hành và trình diễn diễn xướng dân gian là phần diễu hành khối làng nghề. Các đại biểu, người dân và du khách được xem phần trình diễn của các làng nghề: Làng nghề tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Kim Hoàng, làng thêu Quất Động, làng thêu Đông Cứu, làng gốm Bát Tràng, làng mây tre đan Phú Vinh, làng nghề sơn mài Hạ Thái, nghề tò he Xuân La, làng nghề quạt Chàng Sơn, làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng, làng nghề khảm trai thôn Ngọ, làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng, làng nghề điêu khắc Nhân Hiền...
Những làng hoa tạo nên nét đẹp thanh lịch cho Hà Nội.
Phần cuối là màn diễu hành, trình diễn của các đoàn thể xã hội, đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Đó là Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức thành viên: Hội Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh Thủ đô, lực lượng công nhân, viên chức, người lao động, lực lượng nông dân Thủ đô… Phần diễu hành này còn có sự tham gia của nhiều bạn bè quốc tế.
Có mặt từ sớm để chứng kiến Ngày hội, bà Nguyễn Thanh Thúy (phố Hàm Tử Quan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Hòa trong không khí của ngày hội, gia đình tôi hôm nay đều mặc áo dài, thể hiện nét đẹp truyền thống để có mặt bên hồ Hoàn Kiếm. Chúng tôi rất tự hào khi nói đến Ngày Giải phóng Thủ đô, tự hào vì Hà Nội ngày một phát triển”.
Không chỉ đọng lại ở những màn diễu hành quy mô, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, để từ đó, mỗi người có thêm ý thức đóng góp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tự hào và xúc động trong Ngày hội Văn hóa vì hòa bình (nhandan.vn)