Thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các văn miếu, thư viện trên thế giới
Là quê hương của Khổng Tử, thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có thắng cảnh Tam Khổng: Khổng miếu, Khổng phủ và Khổng lâm được công nhận là di sản văn hóa thế giới; Đại lễ tế Khổng Tử là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Trung Quốc.Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (thứ hai bên trái) giới thiệu mô hình Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Với quan niệm “lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch phát huy giá trị văn hóa”, những năm gần đây, tỉnh Sơn Đông nói chung và thành phố Khúc Phụ nói riêng đã đầu tư xây dựng nhiều công trình để gìn giữ, nghiên cứu và phát huy giá trị tư tưởng Khổng Tử, văn hóa Nho gia. Nổi bật là hai công trình là Thắng cảnh Ni Sơn và Bảo tàng Khổng Tử và được hoàn thành năm 2018, cùng với Viện nghiên cứu Khổng Tử đã tạo thành quần thể Tam Khổng mới, trở thành điểm du lịch trải nghiệm, nghiên cứu, tìm hiểu về Khổng Tử, tư tưởng và văn hóa Nho gia, cũng như là nơi tổ chức các hội nghị, diễn đàn cấp quốc gia, quốc tế như Diễn đàn văn minh thế giới Ni Sơn, Lễ hội văn hóa Khổng Tử...
Năm nay kỷ niệm 2.575 năm ngày sinh Khổng Tử. Lễ hội văn hóa Khổng Tử quốc tế Trung Quốc 2024 với chủ đề “Đối thoại Khổng Tử-Giao lưu văn hóa” diễn ra từ ngày 27/9-2/10, đã trở thành một trong những sự kiện điểm nhấn của thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông trong năm.
Tham dự lễ khai mạc vào chiều 27/9 có lãnh đạo nhiều nước như Chủ tịch Quốc hội Madagascar, Phó Chủ tịch Hạ viện Malaysia...; đại điện phái đoàn ngoại giao các nước tại Trung Quốc, các tổ chức quốc tế; đại diện các Văn miếu, thư viện đến từ 45 nước như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia...
Toàn cảnh Lễ khai mạc Lễ hội văn hóa Khổng Tử quốc tế Trung Quốc 2024 với chủ đề “Đối thoại Khổng Tử-Giao lưu văn hóa”.
Tại lễ khai mạc, các đại biểu Trung Quốc và quốc tế cho rằng, tư tưởng Khổng Tử và Nho giáo đã có đóng góp nhất định đối với việc thúc đẩy tiến bộ của nhân loại. Lễ hội văn hóa Khổng Tử là dịp tốt để đi sâu trao đổi văn hóa, thúc đẩy đối thoại văn minh thế giới, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám giới thiệu mô hình Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Các đại biểu nhấn mạnh, cần bảo tồn, kế thừa và phát triển sáng tạo những di sản quý báu của các nhà tư tưởng các nước trong đó có tư tưởng của Khổng Tử, đẩy mạnh giao lưu, trao đổi văn hóa, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như văn học nghệ thuật, di sản văn hóa, dịch vụ văn hóa công cộng...
Tiết mục biểu diễn văn nghệ trước và trong lễ khai mạc.
Không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống tại lễ khai mạc.
Lễ hội văn hóa Khổng Tử quốc tế Trung Quốc 2024 cũng là dịp để các quốc gia và vùng lãnh thổ đẩy mạnh giao lưu, trao đổi hợp tác văn hóa, thúc đẩy giáo dục, trải nghiệm du lịch thông qua nhiều hoạt động như Đại lễ tế Khổng Tử năm Giáp Thìn; Du lịch về nguồn Văn miếu-thư viện toàn cầu; Lễ trao Giải thưởng giáo dục Khổng Tử UNESCO lần thứ 19; cuộc thi ảnh-video ngắn của thế hệ trẻ gen Z trên thế giới với chủ đề “Khổng Tử trong mắt tôi”...
Đại biểu tìm hiểu các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương.
Đại biểu tìm hiểu các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương.
Diễn ra trước thời điểm Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài 7 ngày, lễ hội văn hóa Khổng Tử năm nay là dịp để quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch địa phương nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm một “Sơn Đông hiếu khách” trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.
https://nhandan.vn/thuc-day-ket-noi-hop-tac-giua-cac-van-mieu-thu-vien-tren-the-gioi-post833710.html