Xu hướng xanh, bền vững trong thiết kế kiến trúc
Từ 363 công trình tranh giải, Hội đồng giám khảo của Giải thưởng kiến trúc nhà ở-nội thất Top 10 Awards 2023 mới đây đã lựa chọn, vinh danh 30 thiết kế xuất sắc, vừa bảo đảm công năng, thẩm mỹ vừa thân thiện với môi trường. Không khó nhận thấy các kiến trúc sư, nhà thiết kế trên cả nước ngày càng chú trọng và phát huy tính sinh thái, bền vững trong tác phẩm của mình.Pả Vi Homestay (Hà Giang), một trong những công trình đoạt giải hạng mục thiết kế nhà ở Top 10 Awards 2023. (Ảnh: Ban tổ chức)
Kiến trúc là nghệ thuật thiết kế và xây dựng các công trình, tổ chức các môi trường không gian, phục vụ cuộc sống và hoạt động của con người. Với đặc thù là nghệ thuật sáng tạo kết hợp khoa học kỹ thuật, kiến trúc hiện nay cũng phản ánh ý thức và hành động trong việc tôn trọng thiên nhiên, thích nghi với biến đổi khí hậu, giảm tác hại tới môi trường...
Ra đời từ năm 2018, Giải thưởng Top 10 Awards được Hội Kiến trúc sư Việt Nam bảo trợ, nhằm tìm kiếm và nêu bật các giá trị thẩm mỹ, sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế kiến trúc-nội thất nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung tại Việt Nam. Năm nay, 10 công trình nhà ở được trao giải của hạng mục Top 10 Houses Awards phân bố ở nhiều địa phương từ Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội cho đến Quảng Ngãi, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh…
Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở nhiều vùng miền, các thiết kế này nhìn chung đều giữ được tính bản địa, cảm hứng truyền thống đồng thời áp dụng các công nghệ hiện đại. Thí dụ như Pả Vi Homestay, một ngôi nhà cũ đặc trưng của người H’Mông ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được kiến trúc sư Trần Mạnh Trung cải tạo thành cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch.
Theo giám khảo Torsten Illgen (kiến trúc sư người Đức), công trình hòa quyện hoàn hảo với không gian ngôi làng dân tộc H’Mông lâu đời và núi non tuyệt đẹp chung quanh. “Mái nhà nổi bật với những tấm lợp mái âm dương của địa phương, được sáng tạo thông minh và tạo ra một sự nhất quán liên tục giữa bên trong và bên ngoài. Khái niệm chuyển đổi của Pả Vi Homestay với một cách tiếp cận kiến trúc truyền thống không chỉ giúp bảo tồn vẻ đẹp hấp dẫn của miền núi phía bắc Việt Nam, mà còn thể hiện ý tưởng về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm”, ông Illgen nhấn mạnh.
10 thiết kế nội thất đoạt giải hạng mục Top 10 Interior Designs được đánh giá là phong phú, ấn tượng, trong đó có nhiều không gian công cộng như nhà hàng, phòng tranh và xưởng vẽ, không gian sáng tạo, triển lãm... Cách tiếp cận thiết kế liên ngành cùng chia sẻ ý tưởng bao gồm kiến trúc sư, nghệ sĩ thị giác, họa sĩ, nghệ nhân nghề thủ công… trong cùng một dự án là xu hướng nổi bật đáng chú ý.
Có thể kể đến công trình nhà hàng Pizza 4P’s tại trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake (Tây Hồ, Hà Nội), lấy cảm hứng và sử dụng vật liệu từ một số làng nghề truyền thống có ảnh hưởng trong văn hóa Hà Nội nhiều thế kỷ như mây, tre đan, gốm sứ, giấy dó... Không gian nội thất nhà hàng được tạo điểm nhấn bởi hai lò nướng đặc trưng cho thương hiệu và một số tác phẩm nghệ thuật đầy tính năng động và màu sắc do hai nghệ sĩ trẻ Việt Nam sáng tạo. Nhiều chi tiết trên sàn, tường, vách ngăn, rèm... lấy từ nguồn vật liệu tái chế, như đĩa vỡ, đồng phục cũ, vỏ chai...
Kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn, thành viên Hội đồng giám khảo nhận xét, đây là câu chuyện kể về những người nước ngoài (sáng lập nhà hàng là người Nhật Bản) sống ở Việt Nam và mong muốn tôn vinh những giá trị bản địa nơi họ sinh sống, gắn bó. Đây cũng là một thiết kế nội thất đặc thù khi ý tưởng còn vươn ra cả bên ngoài công trình hiện hữu tạo nên những không gian cảnh quan thú vị.
Xuất hiện lần đầu từ mùa giải này, hạng mục Top 10 Green Project Awards là các trường học, văn phòng, thư viện công cộng, công viên, nhà vườn… với những khám phá mới và đậm chất “xanh”.
Một trong những công trình gây chú ý bởi thiết kế thông minh và tính nhân văn là Mật Ngọt Library - thư viện cho trẻ em vùng núi được xây dựng trong khuôn viên Trường tiểu học Phước Tân A, thôn Ma Ty, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Nhóm tác giả dự án là kiến trúc sư Hoàng Minh Quân và hai sinh viên Nguyễn Hoàng Phước, Phan Đình Tuấn (Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh).
Thư viện ra đời từ ý tưởng, khát vọng bồi dưỡng văn hóa đọc cho hơn 100 trẻ em khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cùng sự góp ý của đội ngũ giáo viên, sự hỗ trợ của người dân chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, thư viện được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2022.
Về mặt thiết kế, công trình thuyết phục Hội đồng giám khảo nhờ sử dụng năng lượng hiệu quả, có khả năng tận dụng nước mưa và lấy gió theo mùa trong điều kiện địa phương nắng nóng, khô hạn quanh năm. Thư viện Mật Ngọt là điển hình của một không gian công cộng có thiết kế không quá phức tạp nhưng lại tích hợp đầy đủ các tính năng “xanh” thiết yếu, cho thấy thiết kế xanh có thể được ứng dụng đối với bất cứ loại công trình kiến trúc nào.
Bên cạnh các giải thưởng đã tìm được chủ nhân xứng đáng, Top 10 Awards còn gây chú ý bởi triển lãm Pavilion các đồ án, mô hình đoạt giải tại không gian ngoài trời. Triển lãm năm nay có chủ đề “Chạm cuộc sống-Kiến trúc là thiên nhiên” và diễn ra đến hết ngày 8/7 tại Vườn hoa Diên Hồng (còn được gọi là Vườn hoa Con cóc) ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Nhóm kiến trúc sư của Công ty Kiến trúc Sunjn Việt Nam muốn truyền tải thông điệp giáo dục, văn hóa và bảo tồn qua thiết kế Pavilion làm bằng tre. Cây tre không chỉ là chất liệu bản địa bền, rẻ, đa năng mà còn là một biểu tượng phổ biến và giàu ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam từ hàng nghìn năm qua. Giàn giáo bằng tre bao quanh khu vực đài phun nước cổ giữa phố phường nhộn nhịp như một sự giao thoa giữa bản sắc truyền thống và tính đương đại, tạo nên một không gian sáng tạo thu hút người dân Thủ đô và du khách đến tham quan, chụp ảnh.
Năm 2023, triển lãm Pavilion cũng tại địa điểm này đã nhận được sự quan tâm và tương tác lớn nhờ sử dụng nhiều tấm gương lớn ghép lại, phản chiếu cây cối xanh tươi, các công trình kiến trúc cổ kính và sinh hoạt thể thao, văn hóa của cộng đồng.
Xu hướng xanh, bền vững trong thiết kế kiến trúc (nhandan.vn)