Động lực tăng trưởng nông nghiệp từ các FTA
Việt Nam hiện đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực trên thế giới. Đây được ví như những con đường cao tốc, kết nối nền kinh tế Việt Nam với các đối tác thương mại lớn trên toàn cầu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các FTA đã và đang trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ, ghi dấu ấn trong những thành tựu mới của toàn ngành.Thu hoạch lúa trên cánh đồng liên kết của Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời (An Giang). (Ảnh MINH ANH)
Nhiều năm qua, nông nghiệp luôn phát huy vai trò trụ đỡ nền kinh tế, với những chỉ số gia tăng mạnh cả về sản lượng, năng suất, chất lượng và kim ngạch xuất khẩu. Điều này có một phần đóng góp quan trọng từ các FTA khi thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam hiện đều là các nước tham gia trong các FTA. Đồng thời FTA có vai trò thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng an toàn, minh bạch.
Năm 2023, GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83% - là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm 2022 và chiếm hơn 42,5% xuất siêu cả nước. Năm 2024, dự kiến GDP ngành nông nghiệp đạt 3,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng mạnh ở các thị trường có FTA
4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thị phần xuất khẩu sang châu Á chiếm cao nhất với 46,5%; tiếp đến là châu Mỹ 21,9% và châu Âu 13,4%. Năm 2023, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là 4 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Đây hầu hết là các thị trường và khu vực thị trường có FTA với Việt Nam.
Cụ thể như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết: Thời gian qua, các FTA đã tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu của ngành thủy sản, nổi bật nhất phải kể đến kết quả có được trong năm 2022 khi kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu sang các nước và khu vực có FTA với Việt Nam như CPTPP, EU, Nhật Bản đều đạt mức tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu vào EU tăng 20% và sang Nhật Bản tăng 28% so với năm 2021.
Riêng thị trường các nước thành viên CPTPP, xuất khẩu thủy sản liên tục tăng trong nhiều năm qua. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2019 lên 2,9 tỷ USD năm 2022.
CPTPP là nhóm thị trường có tăng trưởng tỷ trọng xuất khẩu thủy sản tăng mạnh thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc. Năm 2018, CPTPP chiếm 25% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thì đến năm 2023 chiếm gần 27%.
Đối với mặt hàng gạo, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu gạo sang EU tăng 10% cả về sản lượng và giá trị so với năm 2022, đạt khoảng 104.000 tấn, kim ngạch 71,7 triệu USD - con số cao nhất từ trước đến nay. Điều này thể hiện rõ nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng hiệu quả lợi thế từ EVFTA.
Trong khi đó, ngành hàng rau quả cũng đang tăng trưởng mạnh xuất khẩu vào EU nhờ các sản phẩm chất lượng cao và chế biến sâu. Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, mức tăng trưởng xuất khẩu rau quả vào thị trường EU năm 2024 có thể đạt 20%.
Năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU đạt 227,6 triệu USD, tăng 22,2% so với năm 2022 và chiếm 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Trong đó, chủ yếu xuất sang Hà Lan với kim ngạch 147,1 triệu USD, tăng 25,7%; xuất sang Đức 36,2 triệu USD, tăng 45,6%.
Tại thị trường Hàn Quốc, VKFTA cũng là trợ lực lớn cho các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Quý I/2024, xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng tới 59,3% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các nhóm hàng nông nghiệp xuất khẩu sang Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA tốt nhất gồm: thủy sản 96,32%, rau quả 91,18%, cà-phê 94,54%; hạt tiêu 100%; gỗ và sản phẩm gỗ 73,76%… Tỷ lệ này khá cao do ngoài VKFTA thì hoạt động xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam-Hàn Quốc còn được tác động từ hai FTA khác, gồm Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam là cà-phê cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh vào các thị trường có FTA, gần nhất là quý I/2024, trị giá xuất khẩu cà-phê sang khu vực châu Á và châu Âu tăng mạnh so với quý I/2023. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu cà-phê sang châu Á và châu Âu tăng lần lượt từ 34,28% và 47,63% trong quý I/2023 lên 37,81% và 48,34% trong quý I/2024.
Thúc đẩy sản xuất an toàn, minh bạch
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để thâm nhập được vào các thị trường có FTA nhằm tận dụng hiệu quả ưu đãi về thuế quan, thì nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng phải thích ứng với nhiều biện pháp phi thuế quan là các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) mà các nước thành viên đưa ra.
Riêng năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 1.164 thông báo dự thảo các biện pháp SPS của thành viên WTO, tăng 20 thông báo so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các nước có số lượng thông báo nhiều nhất lần lượt là: Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia. Đây đều là các thị trường có FTA với Việt Nam.
Vấn đề chính mà các thị trường này quan tâm là mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), dư lượng kháng sinh và các biện pháp SPS liên quan đến thức ăn chăn nuôi, phụ gia thực phẩm và vật liệu tiếp xúc thực phẩm... Điều này là thách thức nhưng cũng chính là lực đẩy cho sản xuất và chế biến nông sản trong nước có bước chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng các yêu cầu, điều kiện ngày càng cao của nước nhập khẩu. Chính vì vậy, các cảnh báo đối với Việt Nam đã giảm đi rất nhiều.
Cụ thể, trong năm 2023, hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF) đã phát đi 4.681 cảnh báo đối với tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vào EU.
Trong khi một số nước có hơn 280 cảnh báo (chiếm khoảng hơn 6% tổng số cảnh báo), thì Việt Nam chỉ có 67 cảnh báo (chiếm khoảng 1,4%), giảm 5 cảnh báo so với năm 2022.
Có được kết quả đó là do chất lượng nông sản đã được đẩy mạnh kiểm soát ngay từ đầu vào sản xuất thông qua việc sử dụng thuốc bảo vệ sinh học và phân bón hữu cơ. Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Quang Hiếu cho biết: Cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học dẫn đầu trong khu vực. Đối với chương trình phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp 12 doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn cho 335.124 nông dân và 8.980 đại lý; triển khai xây dựng 825 điểm trình diễn mô hình trên lúa, cây ăn quả, cà-phê, hồ tiêu, cây rau với tổng diện tích hơn 1.249,7 ha. Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với nhiều địa phương xây dựng các mô hình sản xuất có sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả với diện tích hơn 15.000 ha.
“Ngoài ra, việc phát triển và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được tích cực triển khai nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nhập khẩu của nhiều nước có FTA với Việt Nam. Tính đến cuối năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các nước nhập khẩu cấp hơn 6.997 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 56 tỉnh, thành phố; cấp 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…” - ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin thêm.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã kết thúc đàm phán từ ngày 2/4/2023 sau hơn 7 năm với 12 phiên đàm phán, và chính thức được ký kết vào ngày 25/7/2023. Hiệp định dự kiến sẽ sớm có hiệu lực trong năm nay. Đây được đánh giá là FTA quan trọng, không chỉ mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Israel mà còn thâm nhập vào thị trường Trung Đông rộng lớn. Cũng trong năm 2023, Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã kết thúc đàm phán được hầu hết các nội dung của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE, dự kiến sớm kết thúc đàm phán trong năm 2024. (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương) |